26/10/2008 - 10:13

Dân Mỹ thời mất việc

21năm qua, Michael Raynor - người chồng và người cha ở bang New Jersey - làm việc trong ngành tài chính. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông bị cắt việc và sẽ lãnh lương lần cuối vào tuần tới. Raynor cho biết ở tuổi 45, đây là lần đầu ông “nếm mùi” thất nghiệp. Ông vừa đi gặp một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp để giúp mình tìm việc làm mới.

Trong khi đó, cô vợ Roseanne, sau một thập niên ở nhà chăm sóc con, cũng đang bôn ba tìm việc nhằm san sẻ phần nào gánh nặng tài chính với chồng. Cặp Raynor - Roseanne là hai trong số hàng trăm nghìn lao động Mỹ đang vất vả săn tìm việc sau khi bản thân họ bị công ty sa thải hoặc lúc chồng hay vợ của mình bị mất việc. Những tháng gần đây, ngành tài chính và xây dựng Mỹ đã cắt giảm lao động đáng kể và làn sóng tinh giản nhân công đang lan đến lĩnh vực sản xuất, bán lẻ và thậm chí cả ngành công nghệ - kỹ thuật số.

Quang cảnh một hội chợ việc làm ở Florida. Ảnh: Getty Images 

Hôm 21-10 vừa qua, Yahoo công bố sẽ cắt giảm ít nhất 10% trong tổng số 14.000 nhân viên. PepsiCo thì có kế hoạch sa thải 3.000 lao động. Best Buy cũng định cắt giảm 10.000 nhân công thời vụ. Theo Lawrence Mishel - Chủ tịch Viện chính sách kinh tế Mỹ, chỉ riêng tháng qua nước này có đến 15.000 lao động mất việc. Con số này sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở các lĩnh vực liên quan đến nhà ở và sản xuất. Lý giải thực trạng cắt giảm lao động hàng loạt đang diễn ra hiện nay, Lawrence cho rằng do hầu hết các doanh nghiệp đều thuê nhiều nhân công làm việc nên khi nền kinh tế teo tóp lại, nước Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng cắt giảm lao động với qui mô lớn, không phải là tinh giản tạm thời mà lao động sẽ mất việc vĩnh viễn.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng cắt giảm việc làm với qui mô như hiện nay sẽ dẫn đến hai tác động phụ đáng lo ngại. Đó là lao động có trình độ cao sẽ bị sa thải và chấp nhận những công việc không đòi hỏi kỹ năng cao, hoặc bán thời gian như tiếp tân hoặc phục vụ chẳng hạn. Hiện nay, nhiều công ty đang nhắm đến lực lượng lao động tự do. Ngoài cái lợi chính là trả lương thấp, họ cũng không bị ràng buộc nhiều về vấn đề bảo hiểm lao động so với khi thuê lao động làm việc toàn thời gian.

Cho đến nay, có một ngành nghề không những không cắt giảm mà còn thu nhận thêm nhiều lao động, đó là lĩnh vực chăm sóc y tế. Khi thế hệ baby boomer (những người Mỹ sinh ra vào giai đoạn 1946-1964) bước vào tuổi già và công nghệ y học không ngừng phát triển, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mở ra nhiều cơ hội việc làm mới, chẳng hạn như trợ lý hành chính, kỹ thuật viên, điều dưỡng... Theo chủ tịch Viện chính sách kinh tế Lawrence, xã hội Mỹ luôn có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc y tế, và chừng nào còn nhu cầu thì lĩnh vực dịch vụ y tế tiếp tục rộng mở, cần thêm nhiều nhân công.

Tuy nhiên, Raynor hy vọng ông sẽ tìm được công việc đúng với chuyên môn của mình, chứ không có ý “đá lộn sân” như nhiều lao động bị mất việc hiện nay.

H.A (Theo ABC, Xinhua)

Chia sẻ bài viết