27/09/2021 - 08:29

CPTPP “nở nồi”! 

Sức hút của Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lại một lần nữa được chứng thực khi chỉ trong chưa đầy một tuần có đến 2 nền kinh tế lớn xin gia nhập.

Ngày 16-9, tức một ngày sau khi Mỹ công bố thành lập liên minh quân sự ba bên với Anh và Úc (gọi là AUKUS) nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Chưa đầy một tuần sau, đến lượt Ðài Loan có động thái tương tự. Trưởng đoàn đàm phán thương mại Ðặng Chấn Trung thừa nhận Ðài Bắc phải gấp rút bởi với cơ chế đồng thuận của CPTPP, nếu Trung Quốc vào trước, họ xem như “bít cửa”. Thực tế là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 23-9 đã vội vã lên tiếng cảnh báo: “Chúng tôi phản đối các quốc gia có quan hệ chính thức với Ðài Loan, phản đối việc kết nạp Ðài Loan vào bất kỳ tổ chức, hiệp ước chính thức nào”.

Nếu như Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với GDP 16.600 tỉ USD thì Ðài Loan đứng thứ 21 với 760 tỉ USD. Thuận lợi của Ðài Loan là  kinh tế vùng lãnh thổ này được đánh giá minh bạch và có thể đáp ứng các tiêu chí cao của CPTPP; Ðài Loan cũng là thành viên các định chế mậu dịch lớn như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, họ gặp bất lợi khi không có quan hệ chính thức với 11 quốc gia thành viên hiện tại của CPTPP như Trung Quốc.

Nhưng mối quan tâm lớn hơn của dư luận là liệu nền kinh tế lớn nhất hành tinh có tham gia CPTPP. Cần nhắc lại rằng tiền thân của CPTPP là Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia do Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, khởi xướng. Tuy nhiên, người kế nhiệm Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này năm 2017, khiến các thành viên còn lại (Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru, Chile, Úc, New Zealand, Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia) phải thương lượng và cho ra đời CPTPP.

Ðến nay, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có động thái chính thức về việc tham gia CPTPP, nhưng bản thân ông là người ủng hộ hiệp định này vì từng là cấp phó cho ông Obama trong quá trình đàm phán TPP. Trong lúc vận động tranh cử, ông Biden cũng từng khẳng định sẽ đàm phán lại TPP với quan điểm hoặc Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ 21 hoặc Mỹ sẽ làm điều đó.

Ngay sau khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập CPTPP, Úc - quốc gia ngày càng thân thiết với Mỹ và không ngại ra mặt thách thức Trung Quốc - đã thúc giục Washington quay trở lại với hiệp định này. Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan “hiến kế” rằng tham gia một hiệp định thương mại tự do kỹ thuật số khu vực sẽ là bước đầu tiên khả thi nhất để Mỹ tái gia nhập CPTPP.

Trong khi đó, phản ứng trước động thái của Trung Quốc, ông Tehan thẳng thừng nói rằng Trung Quốc không nên tham gia CPTPP cho đến khi nước này thuyết phục được các thành viên về việc Bắc Kinh tuân thủ các hiệp định thương mại hiện có, cũng như các cam kết với WTO.

Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đang được các thành viên CPTPP xem xét kết nạp, cũng đề nghị Mỹ tham gia CPTPP, cho rằng đây là “cửa hậu” giúp quan hệ thương mại giữa xứ sương mù và xứ cờ hoa bền chặt hơn nữa.

Ngoài các quốc gia nói trên, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines… cũng rất quan tâm tới việc gia nhập CPTPP, khối thương mại hiện chiếm hơn 13% GDP toàn cầu.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết