08/11/2008 - 19:10

Cơ may cho hòa bình Trung Đông ?

Người dân Syrie đọc tin về chiến thắng của ông Obama. Ảnh: AP

Hai ngày sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, ngày 6-11, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã bất ngờ chúc mừng thắng lợi của ông Barack Obama. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, một lãnh đạo Iran có động thái xã giao như vậy đối với tổng thống đắc cử ở Mỹ. Điều đáng nói hơn nữa là hành động trên diễn ra trong lúc quan hệ giữa Mỹ và Iran đang cực kỳ căng thẳng. Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm George Bush xếp Iran vào “Trục ma quỷ” và từng dọa đánh phủ đầu để phá hủy các cơ sở hạt nhân của nước này.

Các nhà phân tích cho rằng thông điệp của ông Ahmadinejad là rất rõ ràng: Iran sẵn sàng hòa giải với Mỹ. Trong lúc vận động tranh cử, ông Obama cũng từng nói rằng ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Tổng thống Ahmadinejad nhằm phá vỡ bế tắc trong quan hệ giữa hai nước mà không cần điều kiện tiên quyết. Chủ trương của tân chủ nhân Nhà Trắng hầu như khác biệt hoàn toàn so với chính sách về Iran của người tiền nhiệm, vốn từ chối các cuộc gặp cấp cao với Tehran. Trong 8 năm ông Bush cầm quyền, cuộc gặp cấp cao nhất giữa Mỹ với Iran là việc Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns tham gia cuộc hội đàm hạt nhân giữa Iran và Liên minh châu Âu (EU) ở Thụy Sĩ hồi tháng 7-2008, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức dự thính, chứ không đưa ra tuyên bố gì.

Động thái trên của Tổng thống Iran tất nhiên gây khó chịu cho Israel. Ngoại trưởng Tzipi Livni, nhân vật nhiều khả năng sẽ trở thành thủ tướng Israel trong cuộc bầu cử vào tháng 2-2009, lập tức cảnh báo sẽ chống lại bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tehran. Israel luôn xem Iran là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của nước này, do ông Ahmadinejad từng đòi xóa sổ nhà nước Do Thái. Israel cũng không loại trừ khả năng dùng vũ lực nếu Iran không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân. Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của bà Livni là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự bất đồng giữa Tel Aviv với chính quyền mới ở Washington.

Bên cạnh đó, thắng lợi của ông Obama, tổng thống da màu đầu tiên ở Mỹ, có cha theo đạo Hồi và bản thân từng sống một số năm ở quốc gia Hồi giáo Indonesia, cũng được nhiều người dân Trung Đông kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới vào tiến trình hòa bình đang giậm chân tại chỗ suốt mấy năm qua. Nhiều nước trong khu vực cho rằng ông Obama có thể sẽ đưa Mỹ trở lại vai trò “nhà trung gian thật sự” cho cuộc xung đột giữa Israel với các nước A-rập như Palestine và Syrie.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Israel - Palestine có thể không là ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính quyền mới ở Mỹ như trong chiến dịch tranh cử ông Obama từng nói. Trong khi đó, dù tuyên bố chờ chính quyền mới ở Mỹ để khởi động hòa đàm với Israel, nhưng Tổng thống Syrie Bashar al-Assad đến nay vẫn chưa chính thức đưa ra phản ứng về thắng lợi của ông Obama, một phần có thể do “dư âm” chuyến thăm Israel cách đây mấy tháng với tư cách thượng nghị sĩ của ông này.

Có lẽ còn quá sớm để dự báo về triển vọng hòa bình Trung Đông khi ông Obama chưa chính thức cầm quyền. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng nếu ông Obama vẫn giữ nguyên lập trường như khi tranh cử “đối thoại không cần điều kiện tiên quyết” thì lời chúc mừng ông Obama của Tổng thống Iran M.Ahmadinejad quả là một tín hiệu lạc quan. Bởi lẽ một khi mọi người cùng có thiện chí thì không việc gì là không thể.

N.MINH (Theo AP, BBC, NYT)

Chia sẻ bài viết