02/01/2016 - 14:20

Cơ hội kinh doanh từ ô nhiễm tại Trung Quốc

Trong khi người dân Trung Quốc đang vất vả chống chọi với tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng, các "ông lớn" công nghệ của thế giới như Microsoft và IBM đang ra sức cạnh tranh khai thác "thị trường" mới và phát triển nhanh này, trong đó chủ yếu tung ra các công nghệ dự báo chất lượng không khí.

Chỉ trong tháng 12-2015, chính quyền Thủ đô Bắc Kinh đã hai lần đưa ra "báo động đỏ" về ô nhiễm, chủ yếu dựa trên những công nghệ dự báo ô nhiễm. Giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng xem trọng công nghệ dự báo ô nhiễm trong bối cảnh họ đang tìm cách cải tiến việc theo dõi và kiểm soát tình trạng bụi mù, nhất là khi nơi đây chuẩn bị đăng cai Thế vận hội mùa đông vào năm 2022. Không chỉ chính phủ mà người dân cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc dự báo. "Đang có sự quan tâm ngày càng lớn tới công nghệ dự báo chất lượng không khí" - Yu Zheng, một nhà nghiên cứu của Microsoft nhận xét.

Đường phố Bắc Kinh chìm trong bụi mù. Ảnh: Reuters

Microsoft và IBM lần đầu tiên có được khách hàng là các cơ quan chính phủ Trung Quốc vào năm 2014 sau khi họ phát triển thành công công nghệ dự báo ô nhiễm ở các phòng nghiên cứu đặt tại Trung Quốc. Theo Reuters, khách hàng đầu tiên của IBM là Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kinh, nơi chủ yếu dựa vào công nghệ này để đưa ra các báo động đỏ ô nhiễm vừa qua. Với sự hợp tác cơ quan này, IBM mới đây đã ra mắt "Trung tâm sáng tạo môi trường chung" , nơi các nhà khoa học của chính phủ và các chuyên gia IBM làm việc với nhau, cho phép giới chức môi trường hình dung tốt hơn những kịch bản làm giảm ô nhiễm trong các giai đoạn tồi tệ nhất. Ngoài ra, IBM cũng đã ký một thỏa thuận với thành phố Trương Gia Khẩu (tỉnh Hà Bắc), đơn vị đồng đăng cai Thế vận hội mùa đông với Bắc Kinh, nhằm theo dõi và kiểm soát tình trạng ô nhiễm trước khi sự kiện này diễn ra.

Bên ngoài Trung Quốc, IBM đã ký các thỏa thuận theo dõi không khí với New Delhi (Ấn Độ), thành phố ô nhiễm nhất thế giới và Johannesburg (Nam Phi). "Chúng tôi có thể sử dụng cùng một hệ thống để dự báo chất lượng không khí tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Với hệ thống dự báo của mình, chúng tôi có thể làm việc này một cách nhanh chóng" - Brad Gammons, Tổng giám đốc bộ phận năng lượng và dịch vụ công cộng của IBM, tự hào nói.

Trong khi đó, Microsoft đã ký kết thỏa thuận với Bộ Môi trường Trung Quốc cũng như Cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phúc Kiến và thành phố Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên).

Hai "ông trùm" công nghệ không chỉ cạnh tranh giành lấy các khách hàng chính phủ mà cả các khách hàng doanh nghiệp (đặc biệt là các công ty sản xuất năng lượng tái tạo) và người tiêu dùng. Hiện có hơn 30 trang trại năng lượng Mặt trời ở Trung Quốc đang sử dụng công nghệ dự báo của IBM, vốn có thể dự đoán mức độ ánh nắng. Và trong khi Microsoft tạo ra trang web gọi là "Không khí đô thị" cùng với một ứng dụng điện thoại thông minh có thể dự đoán tình trạng ô nhiễm trong vòng 48 giờ tới, nhà tổ chức Giải Quần vợt Trung Quốc Mở rộng đã đưa dự báo ô nhiễm tại các công viên trên khắp Bắc Kinh của IBM lên WeChat, ứng dụng nhắn tin xã hội có hơn 600 triệu người dùng.

TRÍ VĂN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết