09/01/2012 - 14:14

Chuyện lương bổng của chính trị gia

Lương của bà Gillard (trái) hiện cao hơn ông Obama. Ảnh: AP

Việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hồi tuần rồi tuyên bố chấp nhận cắt giảm đáng kể mức lương “khủng” của mình đã làm nóng lên chuyện thu nhập của giới chính trị gia, vốn là đề tài khá nhạy cảm. Theo đề xuất của một ủy ban được thành lập sau khi uy tín của chính phủ giảm mạnh trong các cuộc thăm dò dư luận, lương của thủ tướng, tổng thống và các bộ trưởng sẽ lần lượt bị cắt 36%, 51% và 37% xuống còn 1,65 triệu USD, 1,15 triệu USD và 850.000 USD/năm. Tuy lương của Tổng thống Tony Tan bị giảm hơn một nửa nhưng nhiều người dân đảo quốc Sư tử vẫn cho rằng như vậy là còn quá hậu hĩnh đối với vị trí chỉ có tính nghi thức này. Còn lương của Thủ tướng Lý Hiển Long giảm hơn 1/3 nhưng ông tiếp tục là chính khách có thu nhập cao nhất thế giới, gấp 3 lần người đứng thứ hai là Trưởng đặc khu hành chính Hồng Công Tăng Âm Quyền (550.000 USD).

Tờ Guardian của Anh có ý so sánh khi cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama có mức lương hàng năm khoảng 400.000 USD, trong khi phải điều hành một đất nước rộng hơn 9,8 triệu km vuông, dân số 313 triệu người và GDP 15.000 tỉ USD. Trong khi đó, diện tích của Singapore chưa tới 700 km vuông, dân số trên 5 triệu người và GDP 222 tỉ USD. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận mỗi năm chưa tới 300.000 USD, còn Thủ tướng Anh David Cameron thì chỉ 220.000 USD.

Việc giảm lương của lãnh đạo Singapore một phần là do tăng trưởng kinh tế của nước này đang chững lại. Nếu như năm 2010, GDP của Singapore tăng 14,5% thì năm ngoái chỉ còn 4,8% và dự kiến năm nay sẽ thấp hơn nữa. Trái với Singapore, Úc vừa tăng lương cho Thủ tướng Julia Gillard thêm 31% lên 495.000 USD. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm nay GDP của xứ chuột túi sẽ tăng 4%, cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Tuần rồi, truyền thông Hàn Quốc cũng cho biết lương của Tổng thống Lee Myung-bak sẽ tăng 3,5% lên 162.000 USD. Theo kênh truyền hình CNBC của Mỹ, trong danh sách những chính khách có thu nhập cao nhất châu Á-Thái Bình Dương còn có Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (316.000 USD), Thủ tướng New Zealand John Key (310.000 USD), lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (184.000 USD), Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (124.000 USD)...

Đó là bên hành pháp, còn bên lập pháp, thu nhập của các ông nghị Mỹ lại thuộc hàng cao nhất thế giới, trung bình 913.000 USD/năm. Đây là điều đang gây bất bình dư luận xứ cờ hoa bởi trong những năm gần đây, “bổng lộc” của Đồi Capitol không ngừng tăng trong khi đời sống của người dân ngày một đi xuống.

Cũng gây tranh cãi là thu nhập của các dân biểu Ý. Giữa lúc đất nước hình chiếc ủng mắc nợ đầm đìa thì mỗi năm họ nhận lương và phụ cấp hơn 240.000 USD, cao nhất trong Liên minh châu Âu và gấp gần 3 lần các đồng nghiệp Anh.

LÊ DÂN

Lương của bà Gillard (trái) hiện cao hơn ông Obama. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết