Đó là tuyên bố của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad, được hãng tin Mỹ CNN rút làm tiêu đề bài viết đăng tải ngày 27-6, trong đó nêu ra những vấn đề chủ chốt cho thấy Syrie đang thực sự đối mặt với nhiều cuộc chiến cùng lúc, bao gồm cuộc chiến ở trong nước và cuộc chiến về ngoại giao.
Trận chiến trong nước
|
Căng thẳng giữa Syrie và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành “điểm nóng” tại Trung Đông.
|
Bạo lực gia tăng khi chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức. “Chúng ta đang sống trong tình trạng chiến tranh thực thụ, từ mọi góc độ, và trong hoàn cảnh như vậy, cả hệ thống chính trị của chúng ta phải tập trung giành thắng lợi trong cuộc chiến này”- Tổng thống Syrie Bashar al-Assad tuyên bố trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình quốc gia sau khi chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức ngày 26-6.
Ông al-Assad chỉ đạo chính phủ mới phải tập trung mọi nguồn lực nhắm tới chấm dứt cuộc khủng hoảng trong nước kéo dài 16 tháng qua khiến ít nhất 14.000 người thiệt mạng. Theo Các Ủy ban Phối hợp Địa phương (LCC) đối lập tại Syrie, khoảng 840 người đã thiệt mạng kể từ ngày 16-6, khi Liên Hiệp Quốc tạm ngưng sứ mệnh giám sát ở Syrie, riêng ngày 26-6, bạo lực đã làm 113 người mất mạng. Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia SANA cho biết trong các vụ đụng độ ở khu vực ngoại ô Thủ đô Damas cùng ngày, quân chính phủ đã tiêu diệt “hàng chục tên khủng bố”, bắt giữ nhiều tên khác và tịch thu rất nhiều vũ khí. Được biết, tình trạng bạo lực đã khiến hơn 33.500 người Syrie sang Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn.
Trận chiến ngoại giao
Tại cuộc họp tổng kết nhiệm vụ giám sát của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại Syrie ngày 26-6, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cho rằng một giải pháp nằm ngoài tầm kiểm soát của LHQ có thể được xem xét nếu hai cuộc đàm phán bàn về giải pháp chấm dứt bạo lực tại Syrie, ở Genève (Thụy Sĩ) cuối tuần này và ở Paris (Pháp) tuần sau, thất bại. Pháp và các đối tác của mình tại châu Âu đã bàn đến việc thực thi các lệnh cấm vận mới chống lại chế độ của Tổng thống al-Assad. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Ngoại trưởng Hillary Clinton có thể tham gia hội nghị bàn về vấn đề Syrie tại Genève với điều kiện các bên tham gia phải nhất trí rằng cần có một sự chuyển giao chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Nga cho rằng tình hình ở Syrie hiện nay là “rất ác nghiệt” và một “nhóm hành động” có thể tạo ra một sự khác biệt cho nước này. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ nguyên quan điểm phản đối hành động can thiệp quân sự vào Syrie bởi cho rằng “quân sự hóa cuộc xung đột tại Syrie sẽ là một sai lầm”.
Không chỉ đối mặt với sức ép từ Mỹ và phương Tây, Syrie còn đương đầu với sự đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ, sau vụ lực lượng phòng không Syrie bắn hạ một máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Được sự hậu thuẫn từ các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo quân đội Syrie nên tránh xa khu vực biên giới, hoặc sẽ bị đáp trả bằng vũ lực. Phát biểu mang tính gây hấn của ông Erdogan được đưa ra lại cuộc họp khẩn cấp các đại sứ NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 26-6 theo yêu cầu tham vấn của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hãng tin CBS News của Mỹ, mặc dù lên án hành động của lực lượng phòng không Syrie, nhưng Mỹ và liên minh hiện đang nghi ngờ chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện hành vi do thám chứ không chỉ “lỡ” xâm phạm không phận láng giềng như họ tuyên bố.
THANH TRÚC (Theo CNN, CBS)