13/03/2010 - 09:34

BỘ TRƯỞNG BỘ NN& PTNT CAO ĐỨC PHÁT:

Chuẩn bị vật tư, nhân lực, nguồn tài chính để hỗ trợ người dân vùng ĐBSCL phòng chồng hạn, mặn

(CT)- Ngày 12-3-2010, tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị Triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phòng chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, tại ĐBSCL, nguy cơ xâm nhập mặn đang đe dọa khoảng 100.000 ha lúa ở các tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang; trên 120.000 ha lúa xuân hè của Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang có nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn hán kéo dài. Ngoài ra, 550.000 ha lúa hè thu chính vụ năm 2010 cần phải hỗ trợ bơm tưới mới có thể xuống giống theo đúng lịch thời vụ vào tháng 4, tháng 5. Theo Cục Thủy lợi, mực nước trên các sông chính tại vùng ĐBSCL như: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên... đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, độ mặn cao hơn, việc kiểm soát mặn, giữ ngọt là rất khó khăn, do hệ thống kênh nội đồng đã cạn và nước mặn đã tiến sâu vào các tiểu vùng giữ ngọt... Khô hạn và xâm nhập mặn không chỉ đe dọa sản xuất nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn. Hiện ĐBSCL có đến 20% diện tích đất tự nhiên bị nhiễm mặn, tại nhiều vùng, người dân phải mua nước sinh hoạt vào mùa khô tới 60.000 đồng/m3, hay phải đi lấy nước xa nhà cả chục cây số.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các địa phương cho rằng, cái khó lớn nhất hiện nay là đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả vùng trồng lúa và vùng nuôi tôm. Như tại Bạc Liêu, độ mặn trên kênh Nàng Rền đã xấp xỉ 1,5%o, nếu khống chế độ mặn cho vùng này để bảo vệ lúa thì sẽ thiếu nước mặn cho 60.000 ha diện tích nuôi tôm sú. Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, trên 15.000ha lúa đông xuân trong tỉnh sẽ bị giảm năng suất do hạn và xâm nhập mặn. Tỉnh Kiên Giang đã có gần 3.000 ha lúa ở huyện An Biên bị mất trắng. Còn Trà Vinh, mặn 3%o đã xâm nhập sâu vào nội đồng 50km tính từ cửa sông, cao hơn cùng kỳ 2- 4%o; hiện tại diện tích lúa đông xuân chưa bị ảnh hưởng, nhưng vụ hè thu tới rất đáng lo... Các địa phương đề nghị Bộ NN&PTNT có kế hoạch hỗ trợ, đầu tư công trình thủy lợi dẫn ngọt, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng, giúp địa phương chủ động phòng chống hạn, mặn mùa khô.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Biện pháp cấp bách hiện tại là phải đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán ở từng khu vực, địa phương để có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, nguồn tài chính hỗ trợ nhân dân. Khẩn trương xây dựng đập tạm giúp dân trữ nước ngọt và ngăn mặn xâm nhập sâu hơn, tích cực trữ nước ngọt ở những nơi có thể, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Các ngành, địa phương cần tổ chức tuyên truyền, thông báo hỗ trợ dụng cụ, phương tiện để nhân dân tích trữ nước đảm bảo sinh hoạt trong tháng 4 và tháng 5. Trong các nỗ lực phòng chống hạn mặn, các địa phương giáp ranh với nhau cần có sự phối hợp đồng bộ để tránh ảnh hưởng lẫn nhau.

XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết