03/07/2011 - 09:50

Bầu cử ở Thái Lan:

Chọn Abhisit hay Yingluck ?

Hôm nay 3-7, hơn 47 triệu cử tri Thái Lan sẽ bỏ phiếu bầu 500 nghị sĩ Quốc hội nhiệm kỳ mới, cuộc tổng tuyển cử thứ hai kể từ sau vụ đảo chính lật đổ chính quyền Thaksin Shinawatra năm 2006. Một ngày trước khi diễn ra bầu cử, cả hai chính đảng lớn là Đảng Dân chủ cầm quyền và Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) thân cựu Thủ tướng Thaksin, đều có cuộc vận động tranh cử được báo giới Thái Lan gọi là “trận chiến cuối cùng”.

Đảng Puea Thai kết thúc chiến dịch tranh cử bằng cam kết nếu thắng cử sẽ trao nhiều quyền, nhiều tiền và tự do hơn cho Hội đồng Sự thật được chính quyền Thủ tướng Abhisit Vejjajiva bổ nhiệm. Bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin và là ứng viên cho chức thủ tướng của Puea Thai, nhấn mạnh thúc đẩy hòa hợp dân tộc là giải pháp đưa nước này tiến lên và Puea Thai đảm bảo Hội đồng sự thật có thể hoàn thành nhiệm vụ. Theo bà Yingluck, dưới sự lãnh đạo của Puea Thai, Hội đồng Sự thật sẽ theo đuổi công việc điều tra vụ trấn áp phe áo đỏ ủng hộ Thaksin làm hơn 90 người chết hồi năm ngoái mà không có bất kỳ sự can thiệp nào. Bà Yingluck tuyên bố nếu thắng cử, Puea Thai sẽ tập hợp các chuyên gia luật để cải cách pháp lý nhằm xây dựng “niềm tin và sự tín nhiệm” trong mắt cộng đồng quốc tế. Bài diễn văn của bà còn nhấn mạnh tới “Tầm nhìn 2020”, một kế hoạch đầy tham vọng của Puea Thai trong 9 năm tới. Đảng này cam kết trợ cấp y tế cho người dân và tăng lương tối thiểu lên khoảng 30.000 baht (hơn 20 triệu đồng)/tháng trong 9 năm.

Thủ tướng Abhisit và bà Yingluck dầm mưa trong cuộc vận động
tranh cử cuối cùng vào tối 1-7. Ảnh: Nation, Bangkok Post

Trong khi đó, Đảng Dân chủ cũng tiến hành chiến dịch cuối cùng công kích ông Thaksin. Thủ tướng Abhisit chỉ trích cái mà ông gọi là chính sách của Puea Thai nhằm làm “trong sạch” ông Thaksin và trả lại cho ông này 46 tỉ baht (hơn 30 nghìn tỉ đồng) đã bị tịch thu vì tội lạm quyền khi đương chức. Chiến dịch của Đảng Dân chủ được tổ chức với khẩu hiệu “Tương lai của Thái Lan dưới bầu trời chung” và được truyền hình trực tiếp tới 9 tỉnh lớn trên cả nước. Trong bài phát biểu, ông Abhisit cho rằng ông không chấp nhận ý kiến nói rằng người Thái bị chia rẽ và nhấn mạnh mọi người dân vẫn đang sống dưới bầu trời chung. Theo Thủ tướng Abhisit, chính phủ đã làm việc cật lực để giải quyết những vấn đề của đất nước trong 2 năm qua và đã hoàn thành cam kết thúc đẩy giáo dục tự do. Ông cũng không quên “lấy lòng” tầng lớp nông dân, đối tượng vốn nghiêng về phía Puea Thai, khi cho rằng hầu hết dân nông thôn cảm thấy không an toàn và bất công trong thời gian dài, nhưng với chương trình của chính phủ hiện tại, họ không còn chịu thiệt thòi nữa.

Theo báo Bưu điện Bangkok, bà Yingluck có khả năng sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở nước này. Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cũng cho thấy Đảng Puea Thai dẫn điểm trước Đảng Dân chủ, nhưng với tỷ lệ sít sao: 26,4% và 25,5%. Điều này cho thấy cả hai sẽ khó giành đủ đa số ghế (270-300 ghế) để tự đứng ra thành lập chính phủ, nhất là khi có tới 40 đảng lớn, nhỏ tham gia cuộc bầu cử lần này. Về phần mình, Thủ tướng Abhisit vẫn lạc quan rằng sự chênh lệch số ghế giữa Đảng Dân chủ với Đảng Puea Thai sẽ chỉ khoảng 20 ghế hoặc ít hơn. Với lợi thế được quân đội ủng hộ nên dù có khả năng về thứ hai trong cuộc bầu cử, nhưng đảng của ông vẫn có thể thành lập được chính phủ liên minh.

Giới phân tích dự báo chính trường Thái Lan sẽ tiếp tục bất ổn sau bầu cử và một số nhân vật có uy tín nói rằng vai trò của Hoàng gia và quân đội trong vấn đề ổn định xã hội Thái Lan rất quan trọng.

N. MINH
(Theo Bangkokpost, The Nation, FT)

N. MINH (Theo Bangkokpost, The Nation, FT)

Chia sẻ bài viết