15/04/2008 - 09:03

Chính phủ Liên hiệp ở Kenya liệu có “chết yểu”?

Sau mấy tháng thương lượng, cuối cùng Tổng thống Kenya Mwai Kibaki và lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ Da cam (ODM) đối lập Raila Odinga đã nhất trí thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực hôm 13-4. Theo đó, ông Odinga giữ chức thủ tướng và ODM nắm một nửa số ghế trong nội các 43 thành viên. Trước mắt, động thái này giúp làm dịu căng thẳng chính trị ở Kenya vốn bùng phát dữ dội kể từ sau cuộc bầu cử gây tranh cãi tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính phủ mới sẽ tồn tại được trong bao lâu?

Tổng thống Kibaki (phải) và Thủ tướng Odinga (trái) trong buổi lễ công bố nội các mới hôm 13-4. Ảnh: NYT 

Việc ông Odinga làm thủ tướng là lần thứ hai trong lịch sử Kenya có vị trí này. Người đầu tiên là Jomo Kenyatta, làm thủ tướng khi Kenya độc lập năm 1963, sau đó chức danh này được đổi thành tổng thống. Trong nội các mới, hai chiếc ghế phó thủ tướng được trao cho ông Uhuru Kenyatta của đảng Thống nhất Dân tộc (PNU) của Tổng thống Kibaki và ông Musalia Mudavadi của ODM. Mặc dù nắm số ghế bằng với PNU trong nội các nhưng ODM thực tế yếu thế hơn bởi PNU nắm giữ hầu hết các bộ quan trọng như tài chính, tư pháp, an ninh nội địa, ngoại giao và thương mại.

So với nội các cũ chỉ gồm 17 thành viên mà ông Kibaki thành lập sau bầu cử hôm 27-12, nội các mới bị đánh giá là quá cồng kềnh, tốn kém và không thật sự ổn định. Các tổ chức quan sát độc lập ước tính chi phí duy trì hoạt động của chính phủ mới sẽ lên tới 130 triệu USD/năm, một số tiền quá lớn so với mức sống trung bình của người dân Kenya (hiện có tới 60% trong số 35 triệu dân nước này có thu nhập dưới 1 USD/ngày). Vì lý do chính trị và để xoa dịu các nhóm lợi ích khác nhau, ông Kibaki đã tạo ra một số chức danh mới và trả lương cao, chẳng hạn như chức Bộ trưởng phát triển khu vực Bắc Kenya. Theo Hiến pháp Kenya, chính phủ liên hiệp sẽ hoạt động đến năm 2012 khi kết thúc nhiệm kỳ quốc hội hiện nay, hoặc cho đến khi ban hành được Hiến pháp mới. Tuy nhiên, kết quả một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 50% số người được hỏi cho rằng chính phủ mới sẽ không tồn tại hết nhiệm kỳ do tình hình chính trị phức tạp.

Tổng thống Kibaki kêu gọi các thành viên nội các mới gác lại những bất đồng chính trị để cùng nhau làm việc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ không dễ dàng. Ngoài việc cáo buộc ông Kibaki gian lận trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái, ông Odinga còn có mối thâm thù khác với tổng thống. Số là hai ông từng hợp tác để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2002. Nhưng khi lên nắm quyền, ông Kibaki đã không giữ lời hứa bổ nhiệm ông Odinga làm thủ tướng, thậm chí sau đó còn cách chức Bộ trưởng giao thông công chính và nhà ở của ông vào năm 2005. Do vậy, mặc dù chấp nhận chiếc ghế thủ tướng nhưng ông Odinga khó mà toàn tâm toàn ý hợp tác với Tổng thống Kibaki. Còn ông Kibaki đương nhiên lúc nào cũng phải dè chừng Thủ tướng Odinga.

N.MINH (Theo Guardian, NYT, TTXVN)

Chia sẻ bài viết