Thời gian gần đây, dư luận quốc tế nói nhiều về chiến tranh ủy nhiệm, nhất là trong các cuộc xung đột tại Trung Ðông và cả cuộc chiến Nga - Ukraine.

Bản đồ khu vực Trung Ðông. Ảnh: Geology
Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chiến tranh ủy nhiệm có mầm mống từ rất sớm. Tuy nhiên, đến thế kỷ XX, nó mới trở thành một loại hình chiến tranh có tính phổ biến, đặc biệt trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô giai đoạn Chiến tranh Lạnh 1945-1991.
Chiến tranh ủy nhiệm là loại hình chiến tranh được tiến hành bằng cách thông qua lực lượng của một hoặc nhiều nước khác, hay các tác nhân phi nhà nước (còn gọi là chiến tranh qua tay người khác). Loại hình chiến tranh này đang được một số nước, đứng đầu là Mỹ coi trọng sử dụng để can thiệp vào các cuộc xung đột nhằm đạt mục tiêu chiến lược mà không sử dụng lực lượng trực tiếp tham chiến.
Nhiều kiểu chiến tranh ủy nhiệm
Về bản chất, chiến tranh ủy nhiệm vẫn là một hành vi can thiệp quân sự và được thực hiện dưới hình thức khác. Ðó là cuộc chiến tranh mà kẻ chủ mưu thực hiện can thiệp thông qua việc hỗ trợ, chi viện cho lực lượng khác tiến hành chiến tranh lật đổ chính quyền đương nhiệm của quốc gia bị can thiệp, dựng lên chính quyền mới theo ý định của kẻ chủ mưu.
Thực tiễn các cuộc xung đột và chiến tranh gần đây cho thấy, chiến tranh ủy nhiệm là loại chiến tranh vừa bao hàm đầy đủ tính chất và đặc điểm của chiến tranh thông thường, vừa có những đặc thù của chiến tranh từ xa trong điều kiện mới. Chẳng hạn, trong làn sóng "mùa xuân Arab" từ năm 2010 làm sụp đổ chính thể của nhiều nước ở Bắc Phi và Trung Ðông, chiến tranh ủy nhiệm được các thế lực trong và ngoài khu vực sử dụng như một phương thức can thiệp, xâm lược mới.
Trong khi đó, tổ chức báo chí tự do The Intercept hồi tháng 7-2022 trích dẫn các nguồn tài liệu chưa từng được công bố cho hay Mỹ đã sử dụng một chương trình bí mật tên là "127e" để phát động ít nhất 23 cuộc chiến tranh ủy nhiệm kể từ năm 2017. Cụ thể, các tài liệu chỉ ra Lầu Năm Góc đã khởi động 23 chương trình 127e riêng biệt trên toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2020, tiêu tốn 310 triệu USD. Có ít nhất 14 chương trình trong số đó diễn ra tại Trung Ðông và châu Á - Thái Bình Dương.
Chương trình 127e còn được cho bắt nguồn từ những ngày đầu trong cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan năm 2001, khi Cục Tình báo Trung ương (CIA) hỗ trợ cho Liên minh phương Bắc chống lại Taliban. Cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003 cũng diễn ra như vậy.
Trong một bài viết đăng trên Bloomberg hồi tháng 5-2022, nhà phân tích Hal Brands chỉ ra rằng Nga là mục tiêu của một trong những cuộc chiến tranh ủy nhiệm khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại. Theo ông Brands, chìa khóa của chiến lược chiến tranh ủy nhiệm là tìm một đối tác địa phương, một bên được ủy quyền sẵn sàng chiến đấu và rồi sau đó gửi nhiều vũ khí, tiền bạc, huấn luyện và thông tin tình báo cần thiết để giáng những đòn chí mạng vào đối thủ. Ðây lại chính là điều mà Mỹ và các đồng minh đang làm với Nga thông qua Ukraine.
Giới ngoại giao, quốc phòng Nga và người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov cũng đã cáo buộc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) triển khai cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Nga thông qua viện trợ quân sự nhiều mặt cho Ukraine. Tuy nhiên, cũng có dư luận phương Tây cho rằng chính Nga đã thực hiện cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine từ năm 2014 trước khi phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống lại Ukraine vào tháng 2-2022.
Vòng xoáy xung đột và bất ổn
Trong bối cảnh bùng nổ cuộc chiến vũ trang giữa Israel và Hamas cùng nhiều vụ tấn công trả đũa của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, Thời báo New York vừa điểm qua các lực lượng ủy nhiệm của Iran trên khắp Trung Ðông kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Các tổ chức thân Iran được gọi là "Trục kháng cự", hay thường được mô tả là "Lưỡi liềm Shiite", nằm trải dài từ Yemen đến phía Nam bán đảo Arab thông qua Iraq, Syria, Lebanon và Dải Gaza. Trong đó đáng chú ý Hamas và phong trào thánh chiến Jihad tại Dải Gaza lại thuộc nhánh Hồi giáo dòng Sunni hiếm hoi có quan hệ với Iran. Iran ủng hộ các nhóm vũ trang Palestine như một phần không thể thiếu trong chính sách an ninh khu vực của mình nhằm kiềm chế Israel và Mỹ. Từ khi nắm quyền Gaza năm 2007, Hamas đã liên tục đụng độ quân sự đẫm máu với Israel. Và cuộc chiến từ ngày 7-10-2023 có quy mô thảm khốc nhất.

Lực lượng Hezbollah tại Lebanon. Ảnh: AP
Hezbollah thì từng trải qua cuộc chiến tranh giai đoạn 1985-2000 chống lại quân đội miền Nam Lebanon của người Cơ đốc giáo và Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Thời điểm đó, Israel kiểm soát miền Nam Lebanon như là "vùng an ninh" của mình. Năm 2006, Hezbollah có cuộc đụng độ quân sự lần hai kéo dài 34 ngày với IDF tại Lebanon, Bắc Israel và Cao nguyên Golan. Trong cuộc chiến này, do Hezbollah nhận được sự hậu thuẫn quân sự chưa từng có của Iran, nên dư luận cho rằng đây là chiến tranh ủy nhiệm đầu tiên của Iran chống Israel. Năm 2012, Hezbollah tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy tại Syria nhằm bảo vệ chế độ Bashar al-Assad thân Iran.
❝ Cùng với Mỹ, chiến tranh ủy nhiệm nằm trong chiến lược tổng thể của Nga. Ngoài Ukraine, Nga đã hợp tác với Iran trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria chống lại các lực lượng nổi dậy do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác hậu thuẫn.
|
Các nhóm dân quân như Kataib Hezbollah (Lữ đoàn Hezbollah), Islamic Resistance (Kháng chiến Hồi giáo) ở Iraq; Quân đoàn Al Sefira, Lữ đoàn Al Bagir, Lực lượng Qatraji ở Iraq thời gian qua đã không ngừng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ mỗi khi xảy ra các vụ ám sát mục tiêu Iran. Hiện Mỹ vẫn duy trì khoảng 2.500 binh sĩ tại Iraq và 900 quân ở Syria nói là để truy quét tàn quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), điều được coi là cái gai trong mắt Iran.
Riêng phong trào Hồi giáo hùng mạnh Houthi đang là một thách thức an ninh lớn trên Biển Ðỏ nếu cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn. Lực lượng này đang bị liên minh Mỹ - Anh không kích và đặt ra mối đe dọa mới cho tiến trình hòa bình mỏng manh ở Yemen và cả khu vực.
Houthi từng bị liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn kéo dài nhiều năm nhưng vẫn lớn mạnh và đang kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen với thủ đô là Sanaa. Hiện chính phủ Yemen được quốc tế công nhận là hội đồng tổng thống gồm 7 thành viên đại diện cho các phe phái khác nhau với chủ tịch là ông Rashad al-Alimi, người từng là cố vấn cho cựu Tổng thống Mansour Hadi được Saudi Arabia hủng hộ.