08/08/2018 - 07:27

Chiến lược Triều Tiên của Mỹ có nguy cơ “bị vô hiệu hóa” 

Sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 và cuộc họp lịch sử với Mỹ tại Singapore hai tháng sau đó, CHDCND Triều Tiên bị cho đang né các biện pháp trừng phạt khiến chính sách “gây áp lực tối đa” của Mỹ không hoạt động hiệu quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TownPress
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TownPress

Tại 2 sự kiện nói trên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên” và giới chức Mỹ - Triều vẫn đang nỗ lực để đạt hiệp ước đáp ứng mục tiêu này. Theo quan điểm của Washington, sẽ không có một lệnh trừng phạt nào được dỡ bỏ cho đến khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Dẫu vậy, giới quan sát cho biết Bình Nhưỡng đã “vận dụng nhiều biện pháp khác nhau” để né trừng phạt bất chấp cảnh báo của Washington. Theo báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc (LHQ) rò rỉ hôm 4-8, Triều Tiên đến nay vẫn chưa dừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Quốc gia Đông Bắc Á còn bị cáo buộc vi phạm nghị quyết trừng phạt của LHQ khi tiếp tục buôn bán trái phép dầu, than và các hàng hóa khác trong danh sách cấm. Tuần rồi, Nhật báo Phố Wall tiếp tục đưa tin về việc có hơn 10.000 công nhân Triều Tiên đăng ký làm việc tại Nga từ tháng 9-2017 và ít nhất 700 giấy phép lao động được cấp năm nay. Các quan chức Mỹ ước tính khoảng 300 triệu USD chảy về Triều Tiên mỗi năm theo đường kiều hối từ Nga. Washington sau đó chỉ trích hành động của Mát-xcơ-va có thể bị khép vào vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ vốn nhằm cắt đứt nguồn ngoại tệ chuyển về Bình Nhưỡng, tăng sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ hạt nhân. Giữa lúc báo cáo về các vụ vi phạm lệnh trừng phạt ngày càng nhiều, Triều Tiên bắt đầu sử dụng mặt trận truyền thông khi vừa kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, đồng thời lên án Washington “đi ngược” kế hoạch cải thiện quan hệ sau những động thái thiện chí của Bình Nhưỡng như dừng phóng tên lửa, dỡ bỏ địa điểm thử hạt nhân và trao trả hài cốt của binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.

Dựa vào diễn biến gần đây, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Mintaro Oba cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un đang có chiến lược rất bài bản khi ra điều kiện đàm phán với Mỹ trong bối cảnh lệnh trừng phạt được Nga - Trung Quốc “thi hành một cách lỏng lẻo”. Theo Van Jackson, cựu cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện trạng các biện pháp cấm vận ngày càng “suy yếu” là kết quả rõ ràng nhất sau loạt chính sách đối ngoại của chính quyền Kim. Trong đó, việc Trung Quốc và cộng đồng quốc tế hòa hoãn trong thực thi lệnh trừng phạt không chỉ giảm nhẹ áp lực đối với kinh tế Triều Tiên mà còn khiến chiến lược “gây sức ép tối đa” của Mỹ ngày càng mất ảnh hưởng.

LHQ phê duyệt kế hoạch mở đường viện trợ nhân đạo Triều Tiên

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 6-8 đã thông qua dự thảo của Mỹ nhằm đảm bảo việc siết chặt trừng phạt không cản trở hoạt động viện trợ nhân đạo đối với Triều Tiên.

Tuy nghị quyết của LHQ quy định các lệnh trừng phạt Triều Tiên không ảnh hưởng công tác viện trợ nhân đạo, nhưng nhiều tổ chức cứu trợ cho biết chế tài nhắm vào lĩnh vực thương mại và ngân hàng đang dẫn đến tình trạng quan liêu, làm tắc nghẽn các nguồn viện trợ quan trọng.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết