21/09/2008 - 08:57

Chậm chân !

Tuần rồi, ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Andris Piebalgs đã đến Nigeria để đưa ra đề nghị hỗ trợ tài chính cho dự án xây dựng Đường ống khí đốt xuyên Sahara (TSGP) đi từ Nigeria qua Niger rồi tới Algérie dài 4.300 km, trong đó phần trên lãnh thổ Nigeria dài 1.300 km. Đường ống ước tính có tổng chi phí 21 tỉ USD này sau đó sẽ được nối tiếp bằng một đường dẫn ngầm dưới lòng Địa Trung Hải đến thị trường châu Âu. Tính khả thi về mặt kỹ thuật và lợi ích kinh tế của dự án đã được công bố từ tháng 9-2006, nhưng do thiếu vốn đầu tư nên đến nay các bên liên quan vẫn chưa thể tiến hành khởi công.

Ước tính TSGP sau khi hoàn thành sẽ cung cấp trực tiếp cho thị trường châu Âu khoảng 20-30 tỉ mét khối khí thiên nhiên/năm. Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm tiêu thụ 300 tỉ mét khối khí đốt, trong đó 1/4 do Nga cung cấp, và dự kiến nhu cầu này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Theo các nhà phân tích, ông Piebalgs phải hối hả đến Nigeria tìm kiếm cơ hội đầu tư vào TSGP vì sau cuộc xung đột quân sự Nga- Gruzia, giới lãnh đạo châu Âu đã cảm nhận rõ hơn tính bất ổn của đường ống khí đốt Nabucco dài 3.300 km đi từ Trung Á đến Địa Trung Hải mà không “quá cảnh” lãnh thổ Nga. Dự án nằm trong nỗ lực của EU nhằm giảm bớt sự phụ thuộc khí đốt vào Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga-Gruzia vừa qua cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga tại khu vực Nam Kavkaz không hề giảm đi mà ngày càng tăng lên, và điều đó đồng nghĩa với việc đường ống Nabucco dù có hình thành nhưng an ninh không được đảm bảo.

Vội vã quay sang tìm kiếm nguồn cung từ lục địa đen nhưng EU lại chậm chân hơn so với Nga. Vài ngày trước khi cao ủy Piebalgs tới Nigeria, tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga đã ký kết một bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nigeria, theo đó sẽ thành lập một liên doanh sản xuất và vận chuyển khí đốt liên quan đến dự án TSGP. Để có được thỏa thuận trên, Gazprom cam kết sẽ đầu tư mạnh vào hệ thống kho dự trữ khí đốt nhằm giúp quốc gia có trữ lượng khí đốt đứng hàng thứ 7 thế giới này tận dụng hết nguồn khí đốt phục vụ cho xuất khẩu.

Trước nay, ngành công nghiệp dầu khí của Nigeria hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác châu Âu và Mỹ nên họ thường bị chèn ép. Các doanh nghiệp nước ngoài không chịu bỏ vốn đầu tư lớn nên chỉ hóa lỏng khí thiên nhiên để xuất khẩu, trong khi một lượng khí thiên nhiên rất lớn khác bị đốt bỏ hoang phí. Bên cạnh đó, họ cũng ngại bỏ tiền tỉ vào TSGP vì tình hình an ninh ở Đồng bằng Niger, trung tâm dầu khí của Nigeria, luôn bị đe dọa bởi các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy. Tình thế bức bách hiện nay khiến EU nhận ra rằng phải tham gia TSGP bằng mọi giá.

Tuy chậm chân nhưng EU vẫn có hy vọng sức mạnh đồng tiền (trong chuyến thăm của ông Piebalgs, EU hứa sẽ tài trợ 814 triệu USD cho ngành năng lượng Nigeria trong 5 năm tới) và cam kết ủng hộ về mặt chính trị đối với TSGP sẽ giúp họ lật ngược thế cờ. Hãy chờ xem!

PHÚC NGUYÊN (Theo TF)

Chia sẻ bài viết