06/10/2022 - 08:44

Căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên 

MAI QUYÊN (Theo AP, AFP)

Ðông Bắc Á đang chứng kiến sự leo thang hoạt động quân sự khi Mỹ và đồng minh tăng cường phản ứng đáp trả vụ CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo có khả năng trang bị hạt nhân.

Mỹ - Hàn đang tổ chức tập trận tên lửa tại một địa điểm không xác định. Ảnh: AP

Theo tin đã đưa, Triều Tiên ngày 4-10 phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) bay qua lãnh thổ Nhật Bản, buộc chính quyền Tokyo phát cảnh báo kêu gọi người dân tìm nơi trú ẩn. Ðây là vụ phóng tên lửa thứ 5 của nước này chỉ trong 10 ngày và lần thứ 23 trong năm nay, cao hơn nhiều so với 8 vụ năm 2021 và 4 vụ hồi năm 2020.

Chính quyền và truyền thông nhà nước Triều Tiên đều không đưa tin vụ phóng hoặc tiết lộ loại tên lửa được sử dụng. Nhưng giới phân tích cho đây có thể là biến thể của IRBM Hwasong-12 mà Triều Tiên trình làng vào năm 2017, như một phần của kế hoạch tấn công căn cứ Mỹ ở Guam. Sự kiện làm gia tăng lo ngại Triều Tiên sớm tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017.

Mỹ - Hàn - Nhật tăng cường răn đe

Một ngày sau vụ việc, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan dự kiến quay lại vùng biển phía Ðông Hàn Quốc nhằm thể hiện ý chí kiên định của các đồng minh trước hành động “khiêu khích, đe dọa” từ Triều Tiên. Trong động thái phô trương tiềm lực, Washington và Seoul cũng đã phóng 4 tên lửa xuống vùng Biển Nhật Bản. Ðây là cuộc tập trận thứ 2 của hai bên trong chưa đầy 24 tiếng đồng hồ nhằm đáp trả vụ thử tên lửa xa nhất từ ​​trước đến nay của Triều Tiên. Trước đó, các đồng minh tiến hành tập trận ném bom chính xác bằng máy bay chiến đấu F-15 ở Hoàng Hải. Seoul cũng phóng riêng một tên lửa tầm ngắn Hyunmoo-2 nhưng bị trục trặc ngay sau đó và rơi bên trong một căn cứ không quân ở ngoại ô thành phố ven biển Gangneung. Âm thanh và đám cháy từ vụ nổ khiến người dân hoảng loạn vì tưởng rằng Triều Tiên tấn công.

Cùng thời điểm, quân đội Mỹ tiến hành tập trận với Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng răn đe. Tham gia tập trận có 4 chiến đấu cơ F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản từ Căn cứ Không quân Nyutabaru và 4 chiếc F-2 từ Căn cứ Không quân Tsuiki, còn lại là 4 chiếc F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Trạm Không quân Iwakuni. Hồi tháng 5 và 6, Mỹ - Nhật cũng đáp trả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bằng hình thức tập trận nhưng sự kiện hôm 4-10 được coi là có quy mô lớn nhất. “Liên minh Mỹ - Nhật Bản cam kết gìn giữ hòa bình và thịnh vượng trong khu vực để đảm bảo một Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Trong đó, cam kết của chúng tôi đối với việc bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn không thay đổi” - theo tuyên bố của Bộ Tư lệnh Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương Mỹ.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Tên lửa Triều Tiên trước khi rơi xuống Thái Bình Dương đã bay 4.600km ở độ cao khoảng 1.000m và tốc độ đạt gấp 17 lần vận tốc âm thanh. Với tầm bắn như trên, tên lửa có thể vươn tới căn cứ Guam của Mỹ vốn cách Triều Tiên 3.380km. Dữ liệu này cùng với thông tin trước đó về tên lửa đạn đạo mới nhất của Hàn Quốc khiến nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ bùng phát chạy đua vũ trang trong khu vực.

Tuần rồi, Hàn Quốc nhân Ngày Lực lượng Vũ trang giới thiệu nhiều vũ khí quan trọng, bao gồm tên lửa Hyunmoo-5 tầm trung do họ phát triển. Chuyên gia Malcolm Davis đánh giá, Hyunmoo-5 có thể mang đầu đạn thông thường nặng 9 tấn và có thể bay 3.000km nếu trang bị đầu đạn nhẹ hơn. Ðặt điều kiện triển khai ở khu vực Seoul, Hyunmoo-5 về lý thuyết có thể đưa các mục tiêu ở Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc vào tầm ngắm.

Theo giới phân tích, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang có dấu hiệu dời mục tiêu tập trung hoàn toàn vào Triều Tiên sang tìm kiếm vai trò lớn hơn trong khu vực và Hyunmoo-5 là một phần của tiến trình đó. Tuần rồi, Tổng thống Yoon tuyên bố “tăng cường đáng kể” khả năng do thám và tấn công theo “chiến lược 3 trục”, bao gồm kế hoạch chuỗi tấn công phủ đầu, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa cùng chương trình trừng phạt và trả đũa hàng loạt. Ðể trấn an, ông Yoon khẳng định mục tiêu của Seoul là ngăn chặn sự hung hăng của Triều Tiên, mà không phải nhằm vào Trung Quốc hoặc quốc gia khác.

Chia sẻ bài viết