09/04/2013 - 19:52

ĐỔ XÔ TRỒNG MÍT THOÁT NGHÈO

Cân nhắc bài toán “vỡ” quy hoạch

Mô hình "Khu vườn tình thương" của ông Nguyễn Văn Lình (Năm Lình), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Hòa, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, kiêm cán bộ Ban Xóa đói giảm nghèo của xã đã giúp cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo trong 5 năm qua. Toàn xã đã nhân rộng ra 58 khu vườn và hỗ trợ rất nhiều cho nông dân nghèo...

Trồng mít thoát nghèo

Khu vườn mít nhà ông Năm Lình. 

Năm 2009, miếng vườn rộng chưa đầy 1.000m2 của chị Nguyễn Thị Trang, ấp Thanh Bình còn là vườn tạp, thu nhập chỉ vài trăm ngàn đồng/năm. Không vay được vốn cải tạo vườn, chị Trang và người anh trai Nguyễn Văn Nghĩa quanh năm bươn chải làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Chị Trang cho biết, năm 2010, chú Năm Lình tìm đến tận nhà cho 10 cây mít giống "siêu sớm, siêu trái" trồng làm vốn và nói vừa chăm sóc, vừa đi làm thuê ắt có ngày thoát cảnh nghèo". Hai anh em chị Trang bán tín bán nghi vì từ trước đến nay chẳng nghe ai trồng vài cây mít mà thoát khỏi cảnh nghèo nhưng ông Năm Lình tận tình chỉ dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên 2 anh em dọn tạm vài lõm cỏ trong khu vườn tạp để trồng mít. Năm 2012, mít bắt đầu cho trái và ông Năm Lình tiếp tục hỗ trợ thêm cho 2 anh em chị Trang 20 cây mít giống. Chị Trang cho biết: "Mỗi trái cân nặng 20-30 kg, giá 20.000 đồng/kg mít già, 26.000 đồng/kg mít chín, trái mít nặng hơn 20 kg bán được trên 500.000 đồng. Đến lúc này, tôi mới tin trồng mít có thể thoát nghèo. Cây mít cho trái hai lứa một năm, nếu chăm sóc đúng cách thì trái to, đẹp, bán có giá. Nhờ mấy cây mít giống ban đầu mà hiện nay cuộc sống của gia đình tôi đã bớt khó nhọc. Đến lúc, vườn mít cho trái đồng loạt, chắc chắn gia đình tôi sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã".

Vườn mít của ông Nguyễn Văn Cường, ngụ cùng ấp với chị Trang là một trong 12 "Khu vườn tình thương" được Hội Chữ thập đỏ và Ban Xóa đói giảm nghèo xã Thanh Hòa tặng mít giống. "Gia đình tôi thuộc diện gia đình chính sách, đất đai chưa đầy 1.000m2, lại thêm con cái và bản thân bị bệnh liên miên nên không thể thoát được cảnh nghèo, tháng nào UBND xã cũng phải trợ cấp"- ông Cường cho biết. Xã hỗ trợ 10 cây mít giống "siêu trái, siêu sớm", ban đầu gia đình ông từ chối vì không tin chuyện trồng mít có thể thoát nghèo, nhưng sự thuyết phục và chỉ dẫn kỹ thuật canh tác tận tình của ông Năm Lình, đến cuối năm 2011, lứa mít đầu tiên có trái đồng loạt, tuy mỗi cây chỉ mới cho 2-3 trái nhưng vợ chồng ông Cường vui vì cơ hội thoát nghèo cho gia đình đang mở ra. Tháng 5-2012, gia đình ông Cường tiếp tục được hỗ trợ thêm 15 cây mít giống, bản thân ông cũng mua thêm cây giống về cải tạo vườn. Cuối năm 2012 nhờ thu hoạch từ mấy cây mít mà cuộc sống gia đình ông Cường ổn định và được UBND xã công nhận thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết: "Xã có diện tích hơn 670ha đất nông nghiệp nhưng dân số hơn 1.500 hộ. Vì vậy, có đến 118 hộ nghèo và 151 hộ cận nghèo. Trước đây, xã cũng có nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo từ sản xuất nông nghiệp như: trồng cây có múi nhưng đất đai không phù hợp, kỹ thuật canh tác phức tạp nên thất bại. Từ khi xuất hiện mít "siêu sớm, siêu trái" trên đất Thanh Hòa cho hiệu quả kinh tế rất cao, trung bình 1ha vườn mít từ 2 năm tuổi trở lên cho thu nhập 1 tỉ đồng/năm, chủ vườn lãi ròng 40%, thì những "Khu vườn tình thương" xóa đói giảm nghèo bằng cây mít liên tiếp mở rộng. Công đầu trong sự kiện này phải kể đến chú Năm Lình".

Cân nhắc bài toán "vỡ" quy hoạch

Năm 2007, Nguyễn Văn Lình đã từng lập những "Khu vườn tình thương" để xóa đói giảm nghèo cho những gia đình già yếu neo đơn, ít đất đai, không sức lao động, không vốn liếng, bệnh tật do di chứng chiến tranh… "Để có những "Khu vườn tình thương", tôi trực tiếp đến khảo sát thực địa, tình trạng gia đình, sau đó đề xuất UBND xã xuất quỹ Vì người nghèo của xã và vận động những nhà hảo tâm mua cây giống tặng cho các hộ nghèo cải tạo vườn. Không có nhân công, tôi vận động đoàn viên, thanh niên, hội viên cựu chiến binh cùng tham gia dọn dẹp cỏ dại, đắp mô lên liếp. Riêng bản thân thì chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho những hộ nghèo. Hồi đó cây có múi như: cam, bưởi, quýt đang có giá nên tôi vận động bà con trồng các loại này. Nhưng sau đó thất bại vì bệnh vàng lá Greening hoành hành, kỹ thuật chăm sóc phức tạp, tôi cũng buồn"- ông Năm Lình nhớ lại. Khi cây mít "siêu trái, siêu sớm" xuất hiện trên đất Thanh Hòa với giá bán cao ngất ngưởng, gia đình tôi cải tạo 3.000m2 vườn để trồng giống mít này. Hiệu quả kinh tế của vườn mít mang lại quá bất ngờ, ông Năm Lình bắt đầu xây dựng phương án thay đổi cây trồng ở các "Khu vườn tình thương" bằng giống mít "siêu trái, siêu sớm" và được UBND xã chấp nhận. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã đã xây dựng được 58 "Khu vườn tình thương" trồng mít "siêu sớm, siêu trái". Hiện những vườn mít tình thương đầu tiên đã cho trái và đã có 6 hộ thoát nghèo và nhiều hộ nữa sẽ thoát nghèo trong năm 2013 này.

Ông Phan Minh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho rằng: "Mô hình "Khu vườn tình thương" bằng giống mít "siêu sớm, siêu trái" của xã Thanh Hòa là một mô hình tốt và nên nhân rộng để dân mình mau chóng thoát nghèo, vì vòng đời của giống mít này chỉ kéo dài 5-6 năm nhưng trồng chưa đầy 24 tháng đã cho thu hoạch". Song, giữa lúc những "Khu vườn tình thương" ở Thanh Hòa đang phát huy hiệu quả xóa đói giảm nghèo thì cũng có không ít ý kiến lo ngại việc phát triển ồ ạt vườn mít đã phá vỡ cơ cấu, quy hoạch cây trồng của địa phương. Công bằng mà nói, những cán bộ nông nghiệp có cái lý của mình khi cho rằng diện tích đất trồng mít "siêu trái, siêu sớm" của Thanh Hòa đã vượt quá 300 ha và phong trào trồng giống mít này đang lan ra các xã xung quanh, tất yếu sẽ dẫn đến việc "được mùa, rớt giá" đang ám ảnh triền miên trên "Vương quốc trái cây Tiền Giang". Nhưng trong lúc những cán bộ nông nghiệp loay hoay chưa đóng góp được gì cho công tác xóa đói giảm nghèo thì mô hình "Khu vườn tình thương" bằng mít siêu sớm, siêu trái" của Thanh Hòa là việc cần suy ngẫm kỹ lưỡng bài toán thiệt hơn.

Hiện ngành nông nghiệp chưa có khuyến cáo nhân rộng diện tích trồng vì lo ngại diện tích trồng mít tăng nhanh sẽ phá vỡ quy hoạch của địa phương và nguy cơ mất cân đối cung- cầu cục bộ có thể xảy ra. Đã đến lúc cần có định hướng cụ thể, rõ ràng để nông dân an tâm sản xuất, không thể theo kiểu "tự bơi" mãi.

Bài, ảnh: KHẢI CA

Chia sẻ bài viết