19/01/2013 - 18:26

Cần một luật chơi

Việc Trung Quốc liên tục đưa máy bay chiến đấu, tàu tuần tra đến khu vực gần quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản khiến cho lực lượng an ninh biển của Nhật Bản phải ngày đêm bất an, nỗ lực ngăn chặn và xua đuổi trong khi phải né mọi sự va chạm nhỏ dẫn đến hậu quả lớn ngoài ý muốn, vượt tầm kiểm soát. Khi Tokyo lên tiếng tố cáo hành động trên là gây hấn, quấy rối, giới chức Bắc Kinh lập luận rằng đó chỉ là công việc "tuần tra thông thường" của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Theo ông Berger, một chuyên gia nghiên cứu về nền quân sự Nhật Bản, giới quân sự Trung Quốc hiện nay muốn tránh xung đột vũ trang với Nhật Bản về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, bởi lực lượng hải quân của họ dù phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn lâu mới sánh được với sức mạnh và sự hiện đại của hải quân Nhật Bản. Nhưng Berger cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là kiên trì, gia tăng mức độ "gây phiền phức" khiến Nhật Bản phải "mất ăn mất ngủ" để cuối cùng tự nhiên phải chịu nhượng bộ, chấm dứt quản lý hành chính quần đảo đang tranh chấp.

Phản ứng lại chính sách trên của Trung Quốc, trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters hôm 18-1, ông Shotaro Yachi, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Nhật Bản hiện là cố vấn Thủ tướng Shinzo Abe, kêu gọi Bắc Kinh cần phải minh bạch trong các hoạt động tuần tra biển của mình nhằm tránh xảy ra đụng độ quân sự nghiêm trọng. "Nhật Bản và Trung Quốc cần có một luật chơi kiềm chế sự khiêu khích bằng những biện pháp phòng ngừa xung đột. Thời chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô nhờ có luật chơi nên đã tránh được xung đột vũ trang. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm này" - ông Yachi nêu kiến nghị.

Theo Reuters, phát biểu trên của ông Yachi có thể là thông điệp của Chính phủ Nhật Bản trước các chuyến thăm của các quan chức cấp cao của nước này tới Trung Quốc trong nay mai. Tokyo muốn hạ nhiệt căng thẳng, cải thiện quan hệ với Bắc Kinh nhằm duy trì lợi ích kinh tế và thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai và đông người tiêu dùng nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh kinh tế Nhật đang đối mặt không ít khó khăn sau nhiều năm ì ạch, xuống dốc.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, Nytimes)

Chia sẻ bài viết