04/08/2013 - 21:12

Các trường đại học Mỹ đối mặt “nạn tin tặc”

Một máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Đại học Wisconsin.
Ảnh: New York Times

Trước vấn nạn thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công mạng, các trường đại học nghiên cứu của Mỹ - một trong những môi trường mở và trao đổi thông tin nhiều nhất trên thế giới, cho biết họ buộc phải thắt chặt an ninh, hạn chế chia sẻ rộng rãi cũng như cố gắng xác định những dữ liệu đã và đang bị tin tặc đánh cắp.

Theo Thời báo New York (NYT), đại đa số các trường đại học và các giáo sư ở Mỹ mỗi năm được cấp hàng ngàn bằng sáng chế với nhiều nghiên cứu giá trị trên những lĩnh vực khác nhau như dược, chip máy tính, năng lượng, máy bay và thiết bị y tế. Tuy nhiên, cái khó của trường đại học trong vấn đề bảo mật là hàng ngàn sinh viên và nhân viên đều có thể đăng nhập vào hệ thống máy tính của trường. “Môi trường đại học không giống như một công ty hay cơ quan chính phủ bởi truyền thống cởi mở và tự do thông tin. Các nhà nghiên cứu thường muốn cộng tác với người khác - bao gồm bên trong lẫn bên ngoài trường đại học để chia sẻ những khám phá của họ” - Giám đốc an ninh thông tin tại Đại học Purdue, David Shaw cho biết.

Các quan chức ngành giáo dục ở Mỹ thừa nhận tin tặc đã thành công trong một số vụ khi tấn công vào hệ thống máy tính của trường. Theo người đứng đầu chương trình an ninh mạng Educause - liên minh phi lợi nhuận giữa các trường đại học và công ty công nghệ- Rodney Petersen, các cuộc tấn công đang gia tăng theo cấp số nhân mà phần lớn đều bắt nguồn từ Trung Quốc với hàng triệu lượt mỗi tuần.

Trưởng khoa nghiên cứu chính sách Bill Mellon thuộc Đại học Wisconsin cho biết, ông đã “choáng váng” sau quá trình đại tu bảo mật máy tính gần đây khi phát hiện số lượng xâm nhập vào hệ thống của trường, mà chỉ mới tính riêng tin tặc từ Trung Quốc đã lên đến 90.000 đến 100.000 lượt mỗi ngày. Theo báo cáo từ các trường đại học khác, họ cũng phát hiện số lượng tương tự và con số này đang tăng dần lên mỗi năm với độ tinh vi ngày càng “lão luyện”. Tracy B. Mitrano - Giám đốc chính sách công nghệ thông tin tại Đại học Cornell thừa nhận, mặc dù số lượng tin tặc Trung Quốc tấn công ngày càng gia tăng nhưng giới chức Mỹ hiện vẫn chưa thể xác định liệu các tin tặc này thuộc tư nhân hay chính phủ.

Khi bị tấn công, chuyên gia phân tích cho biết họ có thể lần theo mối liên kết của thủ phạm từ một khu vực, nhà cung cấp dịch vụ và đôi khi nắm cả địa chỉ Internet cụ thể. Nhưng khó ở chỗ là hoạt động xâm nhập của tin tặc thường thông qua nhiều máy tính thậm chí nhiều quốc gia nên việc truy nguyên nguồn gốc không cho kết quả khả quan.

Trước thực trạng trên, nhiều trường đại học bắt đầu xem xét lại cấu trúc cơ bản của mạng máy tính và phương thức chia sẻ thông tin rộng rãi như trước đây. Một số nơi hiện tại đã không cho phép giáo sư của trường mang máy tính xách tay đến một số quốc gia hoặc yêu cầu các chuyên gia phải “làm sạch” máy tính khi những người này về nước bởi như James Lewis, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cảnh báo: “Ở một số nước, như Trung Quốc, bạn chỉ cần kết nối với mạng một vài phút là tất cả dữ liệu sẽ bị sao chép hoặc bị cấy phần mềm độc hại. Rồi khi bạn mang máy tính về nhà và kết nối mạng thì tin tặc đã xâm nhập vào đó”.

Một số trường khác, chẳng hạn như Đại học Wisconsin thì cho biết đã chi hơn 1 triệu USD để nâng cấp chương tình bảo mật máy tính, còn Đại học California tại Berkeley cũng tăng ngân sách an ninh mạng lên hàng triệu USD kể từ năm ngoái nhằm ngăn chặn “hàng triệu người cố gắng xâm nhập mỗi tuần”. Ngoài việc tăng chi tiêu và thay đổi hàng loạt chính sách, các trường đại học cho biết họ còn thường xuyên tham khảo và trao đổi ý kiến, bao gồm các chương trình tư vấn đặc biệt với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để tối ưu hóa công tác bảo mật dữ liệu.

VI VI (Theo New York Times)

 

Một máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Đại học Wisconsin. Ảnh: New York Times

Chia sẻ bài viết