31/03/2023 - 09:09

Các điểm nóng ở châu Á - Thái Bình Dương “châm ngòi” chạy đua vũ trang 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Quá trình quân sự hóa toàn cầu tăng lên nhanh chóng từ đầu thế kỷ 21, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 2000-2021, chi tiêu quân sự thường niên tăng từ mức 1.120 tỉ USD lên con số 2.110 tỉ USD. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong giai đoạn đó, chi tiêu quốc phòng ở châu Á và châu Ðại Dương tăng từ 18%-28%.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp chỉ đạo vụ phóng thử ICBM thế hệ mới Hwasong-17 do nước này tự phát triển.

Mối lo ngại ngày càng tăng đối với Trung Quốc, quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng tăng đều đặn trong gần 3 thập niên qua, đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên toàn khu vực. Dù so với Mỹ, mức chi tiêu dành cho quốc phòng của Trung Quốc có phần ít hơn nhưng ngân sách dành cho quốc phòng của Bắc Kinh tăng 7,2% năm 2023. Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính, chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc có thể cao gấp đôi so với con số được công bố chính thức. Năm 2000, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Ðến năm 2021, mức chi tiêu dành cho quốc phòng của quốc gia đông dân nhất thế giới thậm chí còn nhiều hơn mức mà cả 13 quốc gia trong khu vực gộp lại.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã ưu tiên cho việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Mới đây, Washington phê duyệt thương vụ bán vũ khí mới trị giá 619 triệu USD cho Ðài Loan. Mặt khác, Ðài Bắc đang chi hàng tỉ USD để mua vũ khí di động, công nghệ cao, gồm tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa đất đối không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin từ Mỹ như một phần của chiến lược chiến tranh phi đối xứng. Hòn đảo này cũng đã phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, gồm khoản đầu tư 1,6 triệu USD để phát triển máy bay không người lái.

Về phần mình, dù đã phóng khoảng 90 tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí khác vào năm 2022, Triều Tiên dường như có ý muốn lập kỷ lục mới trong năm 2023. Chỉ riêng trong năm nay, Bình Nhưỡng tiến hành 11 đợt phóng thử tên lửa, trong đó gồm 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa hành trình có khả năng hạt nhân. Trong dấu hiệu cho thấy không có ý định từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, Triều Tiên gần đây đã ra mắt các loại đầu đạn hạt nhân mới, nhỏ hơn. Ðáng chú ý, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un còn ra lệnh sản xuất các vật liệu hạt nhân cấp vũ khí để tăng cường kho vũ khí hạt nhân của đất nước “theo cấp số nhân”.

Giới phân tích cho rằng những hành động khiêu khích của Triều Tiên là nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc. Mới đây, 2 quốc gia đồng minh này đã tiến hành cuộc diễn tập đổ bộ quy mô lớn, trong đó huy động các lực lượng binh sĩ, tàu đổ bộ, máy bay chiến đấu tàng hình và trực thăng. Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi 2 nước kết thúc cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong vòng 5 năm qua mang tên “Lá chắn Tự do”. Trong khi Washington và Seoul khẳng định cuộc tập trận hoàn toàn mang tính chất phòng thủ nhưng Bình Nhưỡng lại lên án đây là cuộc diễn tập nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên khiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đưa ra phản ứng cứng rắn. Nhà lãnh đạo xứ kim chi cảnh báo Seoul sẽ không cấp “một xu nào” cho Triều Tiên nếu như nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.

Tại Nhật Bản, mối quan ngại ngày càng tăng về Triều Tiên và Trung Quốc khiến Tokyo muốn thoát ra khỏi chủ nghĩa hòa bình kéo dài hàng thập niên kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Hồi cuối năm ngoái, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên mức 2% GDP vào năm 2027, từ bỏ mức trần 1% GDP mà nước này tự đặt ra.

Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương nhiều lần nhấn mạnh không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời phản đối quan điểm chọn bên. Song, nỗ lực tìm kiếm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các quốc đảo Thái Bình Dương đã khiến Úc, New Zealand và Mỹ thúc đẩy nỗ lực ngoại giao. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực được minh họa rõ nét nhất bằng việc Bắc Kinh ký kết thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon cách đây gần một năm, khiến giới chức xứ chuột túi quan ngại rằng thỏa thuận này có thể mở đường cho sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại khu vực cách bờ biển nước này khoảng 1.700km. 

Chia sẻ bài viết