Bất ổn ở Libye hiện nay đang biến nước này thành "thỏi nam châm" thu hút những người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông liều lĩnh thực hiện các chuyến vượt biển đến "miền đất hứa" châu Âu.
Một nhân viên tuần tra biển ở Sabratha, thành phố duyên hải của Libye, thừa nhận rằng lực lượng khiêm tốn của ông gần như không thể ngăn chặn hoạt động vượt biển trái phép. Sabratha chính là xuất phát điểm cho các con tàu của các tay buôn khởi hành đến châu Âu. Gần đây, ông nghe tin về một con tàu sắp khởi hành, nhưng không thể đưa lực lượng đến ngăn chặn. "Đây sẽ là hành động tự sát. Khi bạn thấy các tay buôn với súng phòng không trên các chiếc xe bán tải dọc bờ biển trong khi bạn có súng trường tự động, thì bạn sẽ làm gì?- nhân viên này giải thích.

Những người nhập cư xếp hàng dài tại cảng Salerno hôm 22-4 sau khi được Hải quân Ý cứu hộ. Ảnh: AP
Sự bất lực của lực lượng tuần tra biển bắt nguồn từ tình trạng vô chính phủ ở Libye. Quốc gia Bắc Phi này rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc nội chiến hồi năm 2011 dẫn đến sự đổ vỡ chính quyền và cái chết của nhà độc tài Moammar Gadhafi. Khi còn cầm quyền, ông Gadhafi đạt được thỏa thuận với châu Âu về việc kiểm soát hoạt động vượt biển bất hợp pháp. Năm 2010 chỉ có khoảng 4.500 người nhập cư từ Bắc Phi, phần lớn khởi hành từ Libye, vượt biển đến Ý, theo cơ quan bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu Frontex. Tuy nhiên, con số này trong năm 2014 đã tăng vọt lên hơn 170.000 người. Từ năm 2014, bộ máy chính trị của Libye đã bị sụp đổ, khiến nước này trở thành quốc gia vô chính phủ. Libye hiện tồn tại hai chính phủ đối địch, không lực lượng nào nắm quyền lực thực tế và đấu đá nhau trên chiến trường.
Việc không có giới chức trách nào ngăn chặn đã khiến hoạt động buôn người bùng nổ ở Libye. Thậm chí rất nhiều tay buôn sử dụng cả mạng xã hội Facebook để giới thiệu các dịch vụ của chúng đến những người nhập cư sẵn sàng liều mình để chạy trốn chiến sự, tình trạng trấn áp và nghèo đói tại Trung Đông và châu Phi. Cùng với đó là các tay buôn thu phí nhiều hơn khi nhu cầu vượt biển tăng cao. Với mỗi con tàu mong manh rời khỏi bờ biển Libye, các tay buôn bỏ túi hàng trăm ngàn USD. Một vài tay buôn mua lại những con tàu đánh cá lớn trông có vẻ an toàn để chở hàng trăm người và thu 3.200 USD/người tham gia, theo AP.
Các tay buôn sử dụng số tiền trên để mua sắm các tàu lớn hơn, cùng vũ khí hạng nặng hơn đồng thời cấu kết với các lực lượng phiến quân hùng mạnh kiểm soát các vùng lãnh thổ và quyền lực chính trị ở Libye để đảm bảo không ai dám đụng đến chúng. Chính cái vòng quay khắc nghiệt này đã dẫn đến nhiều thảm họa trên biển. Dư luận thế giới hiện vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi một con tàu đầy ắp những người nhập cư bị chìm ngoài khơi Libye hôm 19-4, khiến ít nhất 800 người chết, thảm họa chìm tàu nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên biển Địa Trung Hải, nơi được ví như một "nghĩa địa trên biển" của những di dân. Ít nhất 1.300 người chết chỉ trong vòng 3 tuần trước đó, có thể sẽ đẩy 2015 trở thành năm chết chóc nhất.
THANH BÌNH (Theo AP)