20/06/2021 - 06:47

Biến thể Delta gây quan ngại lớn 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại biến thể Delta là “biến thể đáng lo ngại” hồi tháng 5 và giờ đây các chuyên gia y tế, lãnh đạo nhiều nước lên tiếng về mối nguy hiểm đặc biệt của biến thể xuất phát từ Ấn Độ.

Đã hiện diện ở hơn 80 quốc gia

Ấn Độ vừa nới lỏng giãn cách xã hội  làm dấy lên nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Ảnh: ANI

Ấn Độ vừa nới lỏng giãn cách xã hội  làm dấy lên nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh do biến thể Delta gây ra. Ảnh: ANI

Ngày 18-6, nhà khoa học hàng đầu tại WHO Soumya Swaminathan cảnh báo biến thể Delta của virus Corona có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Swaminathan nhấn mạnh: “Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng”. Trong báo cáo hồi đầu tháng 6, WHO cũng đã cảnh báo biến thể Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia ghi nhận các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Theo WHO, biến thể Delta đã được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia trên thế giới sau khi được xác định tại Ấn Độ hồi tháng 10-2020.

 Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo rằng biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh. Ông Montgomery nhận định rằng chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ số lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, ông Montgomery  kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.

Các nghiên cứu cho thấy biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn 60% so với biến thể Alpha lần đầu tiên phát hiện tại Anh. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 mới ở Anh, Đức và Nga. Đây là lý do khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa quyết định lùi lộ trình mở cửa đất nước sang ngày 19-7 thay vì ngày 21-6 theo kế hoạch ban đầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)  cũng vừa nâng cấp cảnh báo biến thể Delta từ mức “đáng quan tâm” lên mức “đáng lo ngại”. Theo CDC, biến thể này đã được phát hiện ở ít nhất 41 bang của Mỹ. Số bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới liên quan đến biến thể Delta tại nước này hiện chiếm 10%. Giám đốc CDC, nữ Tiến sĩ Rochelle Walensky hôm 18-6 khẳng định biến thể Delta là loại virus lây lan rất cao và có thể trở thành biến thể lớn nhất tại Mỹ. Do đó, bà thúc giục người dân nước này mau chóng đi tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nguy cơ diễn tiến khôn lường

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18-6 cũng có động thái tương tự khi kêu gọi người dân đi tiêm chủng càng sớm càng tốt. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Biden nêu rõ biến thể Delta là loại “dễ lây nhiễm hơn, có tiềm năng gây chết người hơn và đặc biệt nguy hiểm ở người trẻ”. “Số liệu đã rõ ràng: nếu bạn không được tiêm chủng, bạn có nguy cơ bị bệnh nặng, làm lây lan hoặc tử vong”, ông Biden nói. Tổng thống Biden đưa ra cảnh báo trên giữa lúc mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành Mỹ vào ngày 4-7 khó có thể trở thành hiện thực. CDC cho biết đến ngày 18-6,  đã có hơn 176 triệu người Mỹ, tức 53,1% dân số, được tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó có hơn 148 triệu người tiêm đủ liều.       

Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã đồng thanh kêu gọi lục địa già nâng cao cảnh giác trước sự nguy hiểm của biến thể Delta. Ông Macron thăm Berlin hôm 18-6 và là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà bà Merkel đón tiếp kể từ năm ngoái. Bà Merkel cho biết hiện tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới tại Đức rất thấp nhưng sự “hung hăng” của biến thể Delta có thể khiến dịch bệnh tái bùng phát. Tổng thống Macron thì cho hay Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận biện pháp đối phó với biến thể Delta trong cuộc hợp thượng đỉnh sắp tới trong bối cảnh các sân vận động châu Âu đầy ắp khán giả tại Vòng chung kết EURO 2020. Các nước thành viên EU hiện đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho khoảng phân nửa dân số của khối.

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này ngày 19-6 công bố thêm 60.753 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc mới dưới mốc 70.000 ca và là ngày thứ 12 liên tiếp dưới ngưỡng 100.000 ca. Mức giảm này là rất đáng kể sau khi lên tới mức đỉnh khoảng 400.000 ca mỗi ngày hồi tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó, số ca tử vong do dịch COVID-19 dừng ở mức 1.647 ca/ngày. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát do Hãng tin Reuters thực hiện từ ngày 3-17/6, các chuyên gia y tế quốc tế đều chung nhận định rằng nhiều khả năng làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 sẽ tấn công Ấn Độ vào tháng 10 tới và cho dù nước này sẽ ứng phó tốt hơn, đại dịch COVID-19 sẽ vẫn là mối đe dọa về y tế công tại quốc gia Nam Á này ít nhất là đến năm 2022.

Ngày 18-6, WHO cho biết hiện khoảng 30-40 quốc gia trên thế giới không có khả năng cung cấp mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, đặc biệt là những nước dựa vào nguồn cung vaccine của hãng AstraZeneca.  Ông Bruce Aylward  - cố vấn cấp cao tại WHO, nêu rõ nhiều quốc gia nghèo hơn đã phải tạm dừng triển khai tiêm phòng mũi thứ 2. Nguồn cung vaccine ở những nước phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phân phối thông qua cơ chế COVAX do WHO bảo trợ, đã giảm mạnh sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên thị trường trong nước.  Tính đến ngày 17-6, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX mới chỉ phân bổ 88 triệu liều vaccine tới hơn 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.

ĐỨC TRUNG (Theo ABC, AP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết