Xin nói ngay rằng đây không phải là Biển Chết- hồ chứa nước có độ mặn cao nhất thế giới nằm giữa Israel, Bờ Tây và Jordanie- mà là Địa Trung Hải nơi mỗi năm có hàng ngàn người bỏ mạng trên đường tìm tới "miền đất hứa" châu Âu.
Hôm 11-10, hải quân Ý và Malta phối hợp cứu được 206 người nhập cư, chủ yếu là dân Syrie và Palestine, nhưng nhiều người khác thì không may mắn như vậy với ít nhất 34 cái xác đã được tìm thấy. Tàu của họ xuất phát từ Libye và bị chìm ở gần đảo Lampedusa của Ý, vốn được xem là cửa ngõ cho những người châu Phi nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu bởi nó chỉ cách Tunisie khoảng 70 dặm. Cùng ngày, ít nhất 12 người thiệt mạng và 116 người khác được cứu trong vụ chìm tàu trên Địa Trung Hải ở ngoài khơi Ai Cập.
Một ngày sau đó, hải quân Ý lại giải cứu được 270 người, trong đó có nhiều trẻ em, trên hai con tàu gặp nạn cách Lampedusa khoảng 70 hải lý. Cùng ngày, họ tìm thấy thêm 19 thi thể của những nạn nhân trong vụ chìm tàu chở hơn 500 người tị nạn Somalie và Eritrea cách Lampedusa chưa đầy một cây số hôm 3-10, nâng số người chết trong vụ này lên ít nhất 359.
Trước những diễn biến như vậy, cuối tuần rồi Ý và Malta đã giục các đối tác châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt cuộc khủng hoảng người nhập cư, mà theo Thủ tướng Malta Joseph Muscat là "đang biến Địa Trung Hải thành một nghĩa địa". Tổng thống Malta Ibrahim Boubacar Keita thì kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về vấn đề di cư, còn Thủ tướng Ý Enrico Letta yêu cầu đưa cuộc khủng hoảng này vào chương trình nghị sự cuộc họp Hội đồng châu Âu vào hạ tuần tháng 10 và lập tức đưa vào hoạt động hệ thống giám sát biên giới Eurosur mới. Trong khi đó Cao ủy Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malstrom đề nghị Frontex, cơ quan dịch vụ biên phòng của EU, tăng cường hoạt động để có thể triển khai các chiến dịch cứu hộ trên vùng biển trải dài từ Cộng hòa Síp cho tới Tây Ban Nha. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng giục các nước có biện pháp ngăn chặn tái diễn những thảm họa như vậy.
Số người Bắc Phi bất chấp hiểm nguy vượt Địa Trung Hải vào châu Âu không ngừng gia tăng trong hai thập niên qua. Những bất ổn ở Ai Cập, nội chiến ở Syrie và tình trạng hỗn loạn ở Libye trong hai năm trở lại đây càng khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Theo số liệu của các tổ chức từ thiện, trong 20 năm qua đã có khoảng 17.000-20.000 người chết trên biển khi đang tìm đường vào "lục địa già" nhưng giàu có này.
LÊ DÂN