13/10/2019 - 18:08

Bất ổn chính trị lan rộng khắp Mỹ Latinh 

Khủng hoảng chính trị đang nổ ra trên khắp Mỹ Latinh. Ở Peru, Tổng thống Martín Vizcarra đã cho giải tán quốc hội, trong khi tại Honduras, Tổng thống Juan Orlando Hernández đang ra sức thanh minh cáo buộc nhận hối lộ từ các trùm ma túy. Còn tại Haiti, các cuộc biểu tình đe dọa lật đổ chính phủ. Và ở Ecuador, biểu tình hỗn loạn đến mức buộc Tổng thống Lenin Moreno phải chuyển chính quyền ra khỏi thủ đô Quito.

Người dân Haiti xuống đường phản đối tình trạng tham nhũng. Ảnh: WP

Tại Mỹ Latinh hiện nay, ở bất cứ nơi đâu cũng xuất hiện tình trạng bất ổn và hỗn loạn” - Michael Shifter, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ có trụ sở tại Washington, bình luận.

Mỹ Latinh trong một thập niên trước đây được biết đến là khu vực gặt hái nhiều thành công đáng kể, như có mức tăng trưởng bền vững, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 1/3 dân số cũng như có nền dân chủ vững chắc. Nhưng vì sao làn sóng bất ổn chính trị lại nổ ra tại đây? Dù khủng hoảng ở mỗi nước có nguyên nhân khác nhau, nhưng nhìn tổng thể vẫn có những điểm chung. Đó là do nền kinh tế ở phần lớn châu Mỹ Latinh đã có dấu hiệu giảm sút; thể chế dân chủ yếu kém; vấn nạn tham nhũng tràn lan; dịch vụ kém trong khi sự phân cực xã hội ngày càng gia tăng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Mỹ Latinh trong giai đoạn 2004-2011 tăng trưởng trung bình hơn 4%/năm nhưng tỷ lệ này ngày một giảm dần. Năm nay, tăng trưởng kinh tế tại khu vực dự kiến chỉ đạt 0,6%.

Kennedyeth M. Roberts, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Cornell (Mỹ), cho rằng chính sự suy thoái kinh tế đang khiến cho tình hình tại khu vực càng thêm căng thẳng. Cách đây một thập kỷ, kinh tế Ecuador tăng trưởng vượt bậc nhờ sự bùng nổ giá dầu toàn cầu. Nhưng Quito đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu bắt dầu giảm từ năm 2014, buộc Tổng thống Moreno cắt giảm chi tiêu, áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt để giải quyết các khoản nợ lớn, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn, khiến ông phải chuyển chính quyền tới thành phố yên tĩnh Guayaquil. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Argentina, có thể khiến cho Tổng thống Mauricio Macri thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng này. Song, quốc gia đối mặt sự sụt giảm kinh tế nghiêm trọng nhất trong khu vực là Venezuela. Quy mô nền kinh tế nước này sụt giảm hơn phân nửa từ năm 2013 khi giá dầu lao dốc, khiến khoảng 5 triệu người (hơn 10% dân số) rời bỏ đất nước.

Bất ổn chính trị tại Mỹ Latinh một phần cũng là do nhiều quốc gia tại khu vực thiếu các cơ quan quản lý và hệ thống tư pháp độc lập, mạnh mẽ, làm cho vấn nạn tham nhũng tràn lan. Đáng báo động là cả 4 cựu tổng thống Peru đều bị bắt giữ về tội tham nhũng. Jo-Marie Burt, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Mason (Mỹ) cho rằng chính thể chế yếu kém, Lima gặp khó trong việc giải quyết vấn nạn này. 

Chính nạn tham nhũng đã khiến người dân Mỹ Latinh xuống đường biểu tình trong những năm gần đây, gây áp lực hòng lật đổ chính quyền Brazil cũng như Guatemala. Tại Haiti, các cuộc biểu tình chống chính quyền đã nổ ra sau khi chính phủ quyết định cắt giảm trợ cấp giá nhiên liệu. Người biểu tình còn tố Tổng thống Jovenel Moïse tham nhũng, yêu cầu ông này từ chức. Tại Honduras, Tổng thống Hernández cũng đang đối mặt với cáo buộc tương tự. Nhiều nhân chứng cho biết ông Hernández đã nhận hơn 1 triệu USD từ các trùm ma túy trong chiến dịch tái tranh cử hồi năm 2013 nhằm giúp chúng tránh bị truy tố.

TRÍ VĂN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết