01/11/2020 - 09:04

Bảo vệ thiên nhiên tránh “kỷ nguyên đại dịch” 

Theo báo cáo mới từ Ủy ban liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), thế giới đang trong “kỷ nguyên đại dịch” và nếu không ngừng việc tàn phá thiên nhiên, các đại dịch sẽ xảy ra thường xuyên hơn, lây lan nhanh hơn, cướp đi nhiều sinh mạng hơn và ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu với tác động tàn khốc chưa từng thấy.

Theo IPBES, hơn 3/4 diện tích đất trên Trái đất đã bị suy thoái nghiêm trọng vì hoạt động của con người. Ảnh: AFP

Báo cáo nói trên được 22 chuyên gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực - như động vật học, y tế công cộng, kinh tế, luật và đại diện các châu lục - đưa ra trong hội thảo trực tuyến do IPBES chủ trì hôm 29-10. Trong đó, IPBES cảnh báo rằng có tới 850.000 loại virus giống như SARS CoV-2 tồn tại ở động vật và có thể lây nhiễm sang con người, nhấn mạnh rằng các đại dịch là “mối đe dọa hiện hữu” đối với nhân loại. Và mỗi năm sẽ có 5 bệnh mới bùng phát ở người và bệnh nào cũng có khả năng trở thành đại dịch.

Theo IPBES, COVID-19 là đại dịch thứ 6 kể từ đợt bùng phát đại dịch cúm vào năm 1918 và tất cả đều “hoàn toàn là do các hoạt động của con người gây ra”. Những hoạt động này bao gồm khai thác môi trường không bền vững thông qua phá rừng, mở rộng nông nghiệp, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Tất cả đều đặt con người vào tình huống tiếp xúc ngày càng gần với động vật hoang dã và chăn nuôi, cũng như những dịch bệnh ẩn trong chúng. Ủy ban này lập luận rằng khoảng 70% các căn bệnh mới như Ebola, Zika và HIV/AIDS có nguồn gốc từ động vật, nghĩa là chúng đã lan truyền trong động vật trước khi sang người.

Theo các tác giả, hoạt động phá hoại môi trường sống và tiêu thụ vô độ đã khiến những bệnh lây truyền qua động vật có nhiều khả năng lây sang người hơn trong tương lai. “Không có bí ẩn to lớn nào về nguyên nhân gây ra COVID-19, hoặc bất kỳ đại dịch hiện đại nào. Các hoạt động gây biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học của con người cũng dẫn đến nguy cơ xảy ra đại dịch, thông qua việc ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta”, ông Peter Daszak - Chủ tịch Ecohealth Alliance và là người chủ tọa hội thảo - nhận định.

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức khác cảnh báo rằng thế giới phải giải quyết nguyên nhân, chứ không chỉ là những ảnh hưởng của đại dịch đối với sức khỏe con người và nền kinh tế. Cách tiếp cận hiện nay đối với các đợt bùng phát dịch bệnh là cố gắng ngăn chúng lan rộng, phát triển các phương pháp điều trị hoặc vaccine ngừa bệnh. Nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là một “hướng đi chậm và không chắc chắn”, thay vì phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ, bao gồm việc ngừng phá rừng để sản xuất thịt, dầu cọ, kim loại và những mặt hàng khác cho các nước giàu hơn.

IPBES lưu ý rằng COVID-19 bước đầu đã tiêu tốn của nền kinh tế toàn cầu hàng ngàn tỉ USD và các nhà kinh tế ước tính rằng các đại dịch mới trong tương lai có thể gây thiệt hại 1.000 tỉ USD mỗi năm. Vì vậy, IPBES cho rằng việc đầu tư vào việc ngăn chặn các đại dịch này sẽ ít tốn kém hơn hàng trăm lần so với việc cố gắng vượt qua chúng. Ðể giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh, các chuyên gia đề xuất một phản ứng phối hợp trên phạm vi toàn cầu, nhằm ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và đánh thuế các sản phẩm có khả năng khiến con người tiếp xúc gần hơn với động vật.

NGUYỆT CÁT (Theo Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết