04/11/2012 - 20:20

Bạc Liêu: Tổ chức lại sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

Là địa phương được Trung ương chọn triển khai điểm về xây dựng nông thôn mới, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, đang tổ chức lại sản xuất lúa, nuôi tôm trên cả 2 vùng mặn ngọt theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí sản xuất phù hợp với từng tiểu vùng, đầu tư đúng mức công tác xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Đối với vùng ngọt ổn định, huyện đã quy hoạch thành từng tiểu vùng, bố trí các mô hình sản xuất kết hợp đạt giá trị kinh tế từ 80 - 120 triệu đồng/ha/năm. Còn ở vùng chuyển đổi, với quan điểm chỉ đạo phát triển sản xuất bền vững và nâng cao hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất, huyện đã khuyến khích phát triển mạnh các mô hình tôm - lúa và mô hình nuôi tôm xen canh kết hợp như tôm - cua, tôm - cá.

Cuối năm 2010, thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, ngành nông nghiệp huyện đã tích cực tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và huyện, sớm hoàn thành công tác quy hoạch, sử dụng đất sản xuất; đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai; khẩn trương xây dựng đề án các tiểu vùng chuyên canh, khuyến cáo nông dân phát triển các loại nông, thủy sản hàng hóa có tính chủ lực. Song song đó, huyện xúc tiến xây dựng thương hiệu các loại sản phẩm hàng hóa có lợi thế, chú trọng phát triển con tôm - cây lúa. Bên cạnh đó, Phước Long hình thành các tiểu vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất đạt từ 70 - 100 triệu đồng/ha/năm. Nông dân từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, chọn giống lúa chất lượng cao để canh tác và canh tác theo quy trình VietGAP.

Tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, năm 2012, ngành nông nghiệp huyện Phước Long đã vận động, khuyến khích nông dân vùng ngọt ổn định, tiếp tục thực hiện tốt các mô hình lúa - màu, lúa - cá, chuyên màu; phát triển chăn nuôi gia súc - gia cầm, động vật hoang dã; áp dụng quy trình "1 phải - 5 giảm", "3 giảm - 3 tăng", chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong canh tác lúa. Đối với vùng chuyển đổi, ngành nông nghiệp huyện tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân quan tâm thực hiện tốt mô hình tôm - lúa, tôm - cua, chuyên tôm, nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa mùa và tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng, cá sấu, ba ba, trăn, rắn.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện cũng quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống tại địa bàn và liên kết với các cơ sở cung cấp giống sạch bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn giống cho nông dân. Huyện chú trọng phát triển các cơ sở thu mua thủy sản nguyên liệu, kết hợp hài hòa giữa phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, với bảo vệ môi trường.

CAO THĂNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết