11/12/2009 - 22:01

Anh - Pháp đồng áp siêu thuế

Thủ tướng Brown (trái) và Tổng thống Sarkozy gặp nhau bên lề hội nghị EU.  Ảnh: Reuters 

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh liên minh châu Âu (EU) hôm 10-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tỏ thiện chí hòa giải với Thủ tướng Anh Gordon Brown, khi tuyên bố Paris sẽ “theo chân” Luân Đôn, áp siêu thuế mới đối với những khoản tiền thưởng của giới ngân hàng. Theo báo tài chính Les Echos (Pháp), Paris sẽ giới thiệu quy định áp thuế 50% lên tất cả các khoản tiền thưởng trên 27.000 euro. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cũng thông báo mức thuế 50% đối với các khoản tiền thưởng trên 25.000 bảng Anh (khoảng 27.500 euro) của ngân hàng.

Động thái trên được xem như nỗ lực của Pháp và Anh nhằm duy trì lập trường thống nhất chống lại việc chi trả quá mức trong lĩnh vực tài chính. Từng “có chung tiếng nói” vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính một năm trước, nhưng vài tháng gần đây Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Brown có dấu hiệu “cơm không lành, canh không ngọt”, nhất là khi cựu Ngoại trưởng Pháp Michel Barnier được bổ nhiệm giữ chức Cao ủy phụ trách thị trường nội khối Liên minh châu Âu (EU). Ông Sarkozy coi đây là thắng lợi của Pháp và là “thất bại lớn” của Anh, khiến ông Brown giận dữ, hủy kế hoạch tiếp ông Sarkozy tại Luân Đôn hồi đầu tháng này. Nhưng giờ xem ra mọi chuyện đã êm xuôi.

Không những muốn áp siêu thuế tại Anh và Pháp, Thủ tướng Brown và Tổng thống Sarkozy còn cùng nhau kêu gọi thiết lập hệ thống thuế toàn cầu đối với tiền thưởng của giới ngân hàng trong năm nay. Hai nhà lãnh đạo cho rằng các nước phải cùng nhau áp đặt những giới hạn nghiêm khắc hơn về tiền thù lao trong lĩnh vực tài chính. Theo hai vị này, các khoản tiền thưởng năm 2009 phát sinh một phần do sự hỗ trợ của nhà nước cho hệ thống ngân hàng, vì vậy các nước cần liên kết tìm cách đảm bảo người đóng thuế không phải trả giá cho khủng hoảng vì những nguy cơ xuất phát từ ngân hàng. Họ còn cho rằng sự phối hợp giữa các quốc gia sẽ giúp đảm bảo những biến động về tỷ giá hối đoái không đe dọa tới quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng áp thuế đặc biệt như vậy chỉ phù hợp với Luân Đôn, chứ không phù hợp với Frankfurt, trung tâm tài chính của Đức. Berlin không có kế hoạch thực hiện và cũng không cam kết. Trong khi đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng tỏ ra thờ ơ. Quốc hội Mỹ đã xem xét vấn đề thuế đặc biệt này hồi đầu năm nay, nhưng rồi đình lại vô thời hạn sau những tranh cãi bất phân thắng bại. Các nhà phân tích cho rằng khó có thể thực thi việc áp siêu thuế ở một thị trường tài chính lớn như Mỹ, so với thị trường nhỏ hơn ở Anh. Thay vì áp thuế đặc biệt, Mỹ đã giảm lương và thưởng đối với các nhà quản lý ở các công ty nhận trợ cấp của liên bang, như AIG và Citigroup. Mặt khác, để đối phó với thuế trên, các ngân hàng lớn đang tìm cách nâng lương và giảm thưởng cho các nhà quản lý.

Không có sự ủng hộ của Mỹ, một hệ thống thuế mang tính toàn cầu như ông Sarkozy và ông Brown kêu gọi sẽ khó thành hiện thực, nhưng dẫu sao nó đã giúp hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Anh.

N. MINH (Theo Guardian, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết