 |
Trẻ em châu Phi trước “cơn bão” tài chính toàn cầu. Ảnh: AFP |
Nhân Ngày Lương thực Thế giới (16-10), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết do giá lương thực tăng cao, nên thế giới năm 2008 có thêm 75 triệu người lâm vào cảnh cơ hàn, nâng tổng số người nghèo cần được hỗ trợ lương thực trên toàn cầu lên 923 triệu. Con số này, theo nhà kinh tế của FAO Abdolreza Abbassian, sẽ tiếp tục tăng lên khi tình trạng mất an ninh lương thực có nguy cơ trầm trọng hơn, đặc biệt là do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Mặc dù cộng đồng quốc tế ý thức được rằng để đảm bảo an ninh lương thực thì cần phải tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nhưng khi ngân sách giảm thì đầu tư cho nông nghiệp khó mà không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các nước giàu đang bị khủng hoảng tài chính nên viện trợ phát triển của họ nhiều khả năng sẽ giảm mạnh.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam tỏ ý thất vọng về kết quả cuộc họp hàng năm mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), khi các nhà lãnh đạo của hai định chế tài chính hàng đầu này “quên” thúc giục các nước giàu cam kết tăng viện trợ cho các nước đang phát triển. “Họ thừa nhận đang có một cuộc khủng hoảng nghèo đói toàn cầu, nhưng lấy cớ thế giới đang đối mặt với khủng hoảng tài chính để bỏ qua chương trình tăng viện trợ phát triển”, Oxfam cho biết. Cũng theo tổ chức nhân đạo này, các nước giàu dám chi ra hơn 1.000 tỉ USD chỉ trong vài tuần lễ để cứu một số ngân hàng sắp bị phá sản, trong khi không chịu trích ra chừng 1% trong số đó để giúp các quốc gia nghèo khó nhất hành tinh vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), tổng số tiền viện trợ phát triển quốc tế năm nay giảm đến mức thấp nhất trong vòng 40 năm trở lại đây và theo dự báo, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ khiến nguồn ngân sách này tiếp tục bị “cắt xén”, làm ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực chống đói nghèo, chăm sóc y tế và hỗ trợ giáo dục do Liên Hiệp Quốc đảm trách. Chẳng hạn, chính quyền Palestine đang lo ngại không được viện trợ 2 tỉ USD cho năm 2009 do sự chần chừ của châu Âu, Nhật Bản và Mỹ trong cuộc họp tại New York hồi cuối tháng 9. Các chuyên gia quốc tế thì tin rằng Kế hoạch khẩn cấp chống HIV/AIDS trị giá 48 tỉ USD của Tổng thống Mỹ George Bush có nguy cơ bị thu hẹp hoặc đình hoãn bởi khoản nợ quốc gia và thâm hụt ngân sách khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất hành tinh.
Rõ ràng, các nước nghèo, nhất là ở châu Phi, chính là nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính tại phương Tây hiện nay.
PHÚC NGUYÊN (AP, AFP, Csmonitor, Le Monde)