20/09/2018 - 09:25

Ai là “nạn nhân” của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung? 

Thay vì tổn thương Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ được dự đoán sẽ sớm cảm nhận áp lực từ cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt khi đợt thuế mới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực vào đầu tuần sau.

Người dân New York mua hàng tại một siêu thị. Ảnh: Seattle Times

 

Chính sách thương mại của Trung Quốc lâu nay bị Mỹ chỉ trích gây cản trở doanh nghiệp nước ngoài khi hạn chế tiếp cận thị trường, đồng thời buộc các công ty chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương. Trong động thái gây sức ép để Bắc Kinh thay đổi chính sách “bất công”, Tổng thống Trump từ tháng 6 đã áp thuế trừng phạt nhắm vào 50 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nước này sau đó trả đũa bằng cách áp thuế tương đương đối với hàng hóa Mỹ. Trong thế giằng co, Nhà Trắng đầu tuần sau tiếp tục triển khai đợt thuế mới nhắm vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể bổ sung thêm 267 tỉ USD vào đầu năm sau, trừ phi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại.

Trước đây, Chính phủ Mỹ đánh thuế chủ yếu là xe máy, máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao; tránh các mặt hàng tiêu dùng để người dân không phải chịu ảnh hưởng kinh tế trực tiếp. Theo các nhà kinh tế, mức thuế quan mà Mỹ đã thực hiện hoặc cảnh báo thực hiện đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm tăng giá tiêu dùng nhưng không đáng kể, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Nhưng các hộ gia đình Mỹ sẽ sớm cảm thấy gánh nặng từ cuộc chiến này khi mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất và dệt may chiếm gần ¼ trong danh sách gần 6.000 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu mức thuế mới.

Tính đến nay, các nhà sản xuất Mỹ vẫn chưa chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng. Song, nhiều doanh nghiệp bắt đầu lo ngại giá nguyên liệu nhập khẩu tăng lên trong đợt thuế sắp tới. Hiệu ứng ban đầu sẽ được cảm nhận ngay trước mùa mua sắm dịp lễ Giáng sinh 2018. Chính quyền Trump cũng đã cân nhắc điều này qua việc ấn định đợt thuế thứ 3 nếu tiến hành ít nhất phải đến đầu năm sau. Dù vậy, giá bán lẻ tại Mỹ vẫn đứng trước nguy cơ tăng cao vào năm tới và “lãnh đủ” vẫn là túi tiền người tiêu dùng nước này.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có xu hướng leo thang, các công ty Mỹ hiện đứng trước khó khăn khi phải lựa chọn tìm kiếm đối tác khác hay tiếp tục nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Cuộc chiến thuế quan cũng khiến nhiều công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc bất an trước khả năng bị “làm khó” một khi Bắc Kinh hết hàng hóa để áp thuế trả đũa Washington.

Trái với nỗi lo của doanh nghiệp Mỹ, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc trong bài xã luận ngày 19-9 khẳng định nước này không e ngại “các biện pháp cực đoan” mà Washington sử dụng trong cuộc chiến thương mại. Thậm chí, Bắc Kinh có thể coi đây là cơ hội thúc đẩy sản xuất nội địa, phát triển sản phẩm công nghệ cao thay thế hàng nhập khẩu. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez cho rằng với tiềm lực của Trung Quốc trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), chính sách thuế quan của Mỹ có thể mở đường cho Bắc Kinh tiến tới thiết lập các quy tắc và dẫn dắt thương mại trong khu vực.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết