26/10/2020 - 08:20

Ðược cả tiếng lẫn miếng! 

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần rồi mời báo giới vào Nhà Trắng để thông báo rằng với sự trung gian của Washington, Sudan và Israel đã nhất trí bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng qua đã có 3 quốc gia Arab (hồi tháng 9 là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE và Bahrain) đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do Thái. Theo lời ông Trump, sẽ có ít nhất 5 quốc gia nữa sớm nối gót UAE, Bahrain và Sudan, trong đó Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào cường quốc khu vực là Saudi Arabia.

Trước đó, trong thế giới Arab chỉ có Ai Cập cùng Jordan thiết lập bang giao với Israel, lần lượt vào các năm 1979 và 1994.

Tổng thống Trump gọi điện cho lãnh đạo Israel và Sudan hôm 23-10. Ảnh: AP

Theo tờ Guardian, so với việc UAE và Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel thì trường hợp Sudan mang tính biểu tượng lớn hơn nhiều. Không như 2 nước kia, Sudan từng đưa quân tham chiến xung quanh việc thành lập Nhà nước Do Thái năm 1948 và cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Ðáp lại, Israel ủng hộ phe nổi dậy chống Chính phủ Sudan hồi thập niên 1970. Nói cách khác, 2 nước đã ở trong tình trạng đối đầu nhiều thập kỷ.

Sau cuộc chiến năm 1967, các cường quốc Arab nhóm họp tại Khartoum, thủ đô Sudan, và ra cam kết “3 không”: Không hòa bình với Israel, không công nhận Israel và không đàm phán với Israel.

Thế nên Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi nói về thỏa thuận hòa bình với Sudan đã hoan hỉ rằng: “Ðồng ý hòa bình với Israel, công nhận Israel, bình thường hóa quan hệ với Israel. Ðây là một kỷ nguyên mới. Ðây là một thế giới mới. Chúng tôi đang hợp tác với tất cả mọi người để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Còn ông Trump thì gọi đây là “chiến thắng vĩ đại đối với nước Mỹ và hòa bình thế giới”.

Việc giúp đồng minh Israel xích lại gần hơn với các quốc gia Arab, phá thế bị cô lập trong khu vực, sẽ giúp Tổng thống Trump “ghi điểm” trong cuộc bầu cử diễn ra vào tuần sau (3-11). Sự ủng hộ của cử tri gốc Do Thái đóng vai trò rất quan trọng tại bang chiến địa Florida, nơi có tới 29/538 đại cử tri. (Ước tính cộng đồng gốc Do Thái tại Mỹ có từ 5,5 đến 8 triệu người).

Cùng với việc bình thường hóa quan hệ Israel - Sudan, Mỹ cũng quyết định đưa Sudan ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố sau khi nước này đồng ý chi trả 335 triệu USD cho các nạn nhân trong vụ al-Qaeda đánh bom sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania hồi năm 1998. Chính quyền của Tổng thống Sudan khi đó là Omar al-Bashir bị Washington cáo buộc dung túng cho al-Qaeda.

Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình UAE - Israel đã mở đường cho Mỹ bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Abu Dhabi mà không vấp phải sự phản đối từ Tel Aviv. Tuy nhiên, để thực hiện cam kết bảo đảm ưu thế quân sự cho đồng minh số 1 trong khu vực, Mỹ đang cân nhắc sẽ cung cấp cho Israel hệ thống radar tối tân hơn hoặc chỉnh sửa để máy bay F-35 bán cho UAE không hiện đại như những chiếc mà Israel đang sở hữu. Ðược biết, những chiếc F-35 tốt nhất hiện được bán với giá lên tới 200 triệu USD.

Rõ ràng, việc làm trung gian hòa giải thành công giữa Israel và thế giới Arab ít nhiều giúp Tổng thống Trump trong nỗ lực tái tranh cử dù chiến dịch của ông không quá đặt nặng chính sách ngoại giao. Ngoài ra, nó còn mở rộng cửa thị trường Trung Ðông béo bở cho các nhà xuất khẩu vũ khí Mỹ.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết