|
Phụ nữ Congo trong trại tị nạn Kibati. Ảnh: Liberation |
Ngồi trong túp lều bạt, Jeanne và Charlotte chăm chú lắng nghe một số chị em ở trại tị nạn Kibati, cách thành phố Goma thuộc tỉnh Bắc Kivu, miền Đông CHDC Congo chừng chục km, kể lại nỗi kinh hoàng mà họ trải qua trước và sau khi vào đây. Tuy chỉ là túp lều đơn sơ, nhưng Hội chữ thập đỏ Congo gọi đây là “Ngôi nhà lắng nghe” tiếng nói của những phụ nữ lâm vào “nghịch cảnh” và cử hai chuyên gia tâm lý Jeanne và Charlotte đến túc trực. Charlotte cho biết một số chị em kể lại “sự kiện” của đời mình trong nỗi giận dữ trong khi không ít người không thốt nên lời, chỉ ngồi khóc. Tuy nhiên, nhờ sự nhẫn nại và ân cần của các chuyên gia tâm lý, các chị dần dần lấy lại bình tĩnh và bắt đầu bày tỏ...
Hội chữ thập đỏ Congo cho biết “Ngôi nhà lắng nghe” chỉ mới đón tiếp vài chục chị em đến gõ cửa, trong khi “nhu cầu được lắng nghe” thực tế lớn hơn nhiều. Từ khi cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng nổi dậy và quân chính phủ tái bùng phát vào cuối tháng 8 vừa qua, đến nay số người xin vào trại tị nạn Kibati là 65.000 người, trong đó có nhiều người từng bị cưỡng hiếp.
Không những bị khủng hoảng tinh thần, những phụ nữ này còn bị chồng, gia đình và cộng đồng ruồng bỏ. Họ không dám trở về quê nhà vì sợ bị người đời ném đá trong khi bản thân lại mang mặc cảm của kẻ phạm tội. Nạn cưỡng hiếp phụ nữ không chỉ diễn ra ngoài vùng chiến sự, một số chị em sau khi vào đây cũng bị lạm dụng tình dục. Đáng ngại hơn, một tổ chức y tế quốc tế phát hiện vài trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS mà thủ phạm là binh lính chính phủ. Vì thực trạng này, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn kêu gọi các cấp chính quyền, quan chức an ninh của trại tị nạn phải làm tròn trách nhiệm và quyền hạn của mình để chấm dứt ngay loại tội phạm nguy hiểm này.
Tổ chức nhân đạo quốc tế CARE cho biết thực trạng bạo hành tình dục tại Bắc Kivu tính từ tháng 1 đến 9-2008 lên đến hơn 3.500 trường hợp, bình quân gần 400 vụ/tháng. Tuy nhiên, con số này có thể lớn hơn nhiều vì phần lớn không được báo cáo hoặc do nạn nhân che giấu sự thật. CARE cảnh báo vấn nạn này đang trở thành đại dịch và nhấn mạnh, trong cuộc xung đột tái bùng phát tại CHDC Congo, tính mạng của hàng chục nghìn chị em và bé gái rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn cả binh lính. Theo tổ chức này, bạo hành tình dục không chỉ hủy hoại phẩm giá và tinh thần của phụ nữ mà còn là tác nhân lây truyền dịch bệnh, phá vỡ hạnh phúc gia đình và gây tổn hại đến thế hệ tương lai của đất nước. Hiện nay, với sự hợp tác của các tổ chức nhân đạo quốc tế, CARE đang khởi động một chương trình hỗ trợ những phụ nữ bị bạo hành tình dục ở CHDC Congo.
PHÚC GIA AN (Theo Liberation, Reuters)