24/01/2019 - 14:15

“Liên minh” Pháp - Đức đối mặt thách thức 

Hiệp ước Aachen “làm mới” quan hệ hữu nghị Pháp - Đức hướng tới mục tiêu khôi phục các cam kết với Liên minh châu Âu (EU), nhưng cũng châm ngòi làn sóng phản đối của các đảng phái theo đường lối dân túy và dân tộc chủ nghĩa.

Hôm 22-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau tại thành phố Aachen của Đức và ký văn bản cập nhật Hiệp ước Élysée. Hiệp ước Élysée được ký năm 1963 giữa Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là Charles de Gaulle và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer tại Paris, thiết lập nền tảng mới trong quan hệ hai nước sau Thế chiến thứ hai và là giai đoạn không thể thiếu trong quá trình hợp nhất châu Âu.

Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel ký kết Hiệp ước Aachen. Ảnh: DPA

Theo nội dung hiệp ước vừa ký kết, hai bên nhất trí triển khai quân đội bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công, thành lập hội đồng quốc phòng và an ninh, dung hòa các quy tắc mua sắm vũ khí, xây dựng nền tảng văn hóa quốc phòng mở đường cho việc thành lập quân đội châu Âu. Về kinh tế, hai quốc gia đầu tàu EU cam kết hội nhập sâu rộng thông qua “khu kinh tế” Pháp-Đức với các quy tắc chung, thành lập nhóm chuyên gia cố vấn cho chính phủ mỗi nước, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu trong nền kinh tế kỹ thuật số và năng lượng tái tạo. Hiệp ước còn thắt chặt mối liên kết xuyên biên giới dài 450km giữa Pháp và Đức; tăng cường trao đổi, hỗ trợ và phối hợp về văn hóa, y tế, giao thông, ngôn ngữ, cùng nhau đối phó các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và khủng bố.

Hiệp ước Aachen được ký trong bối cảnh EU đang chịu áp lực chưa từng có từ tiến trình Anh rời khỏi liên minh (hay còn gọi Brexit), sự trỗi dậy của chính phủ dân túy ở Ý, Ba Lan, Hungary và sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về thuế quan cũng như cam kết của Washington với NATO. Thông qua sự kiện này, bà Merkel và ông Macron phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết hợp tác và thống nhất. Tuy không ngăn được Brexit và chủ nghĩa dân túy, nhưng hai nhà lãnh đạo đang cho thấy những dự tính của châu Âu trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang ngày một gia tăng, đặc biệt trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới.

Phe cực hữu tại Pháp, Đức coi việc ký kết văn bản là hành động từ bỏ chủ quyền quốc gia. Thủ lĩnh đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Pháp Marine Le Pen cáo buộc ông Macron “phản quốc”, còn đồng lãnh đạo đảng Sự lựa chọn vì nước Đức Alexander Gauland chỉ trích Paris và Berlin đang cố tạo ra một “siêu EU” trong liên minh này.

Theo BBC, các quốc gia Trung và Đông Âu hiện cũng không chấp nhận vai trò lãnh đạo của Đức và Pháp tại EU, đặc biệt về vấn đề ngân sách và di cư. Trong tuyên bố thách thức, Bộ trưởng Nội vụ cánh hữu Ý Matteo Salvini nói rằng đã đến lúc “Trục Ý-Ba Lan” chống lại “Trục Pháp-Đức”. Trên tinh thần này, những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu chế giễu văn kiện ký tại Aachen chỉ mang tính “biểu tượng và không thỏa đáng” của hai nhà lãnh đạo đang suy yếu về uy tín lẫn vị thế chính trị. Hiện Thủ tướng Merkel chuẩn bị rút khỏi vai trò lãnh đạo nước Đức vào năm 2021 sau khi Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương cuối năm 2018. Còn Tổng thống Macron cũng đang vật lộn với phong trào “Áo khoác vàng” leo thang từ cuối năm ngoái bởi  bức xúc của người dân về tình trạng bất bình đẳng, chính sách kinh tế xa cách với người nghèo và giới bình dân tại Pháp.

Theo phân tích của chuyên gia Judy Dempsey thuộc Viện nghiên cứu Carnegie châu Âu, kỳ vọng về việc liên minh Pháp-Đức tiếp tục định hình khu vực đang trở nên quá lớn. Phát biểu tại buổi ký kết Hiệp ước Aachen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho rằng khu vực cần tín hiệu rõ ràng từ Paris và Berlin, bởi hiệp ước song phương như vậy không đại diện cho sự hợp tác trên toàn châu Âu cũng như không thay thế cho hội nhập khu vực.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, BBC)

Chia sẻ bài viết