10/04/2008 - 09:42

“Lạm phát nông phẩm” đe dọa gây bất ổn ở nhiều nước

Người dân Haiti biểu tình ngày 8-4 phản đối việc chính phủ để giá lương thực leo thang. Ảnh: AFP

Tại nhiều nơi trên thế giới, người ta đang bắt đầu nói tới khái niệm “lạm phát nông phẩm” và cảnh báo lạm phát nông phẩm đang trở thành mối đe dọa đối với ổn định xã hội và an ninh.

Không chỉ giá gạo tăng đột biến mà giá lúa mì, đậu nành, bắp và thịt cũng tăng chóng mặt, tới 50-70%. Trước đây, khi xảy ra thiên tai như hạn hán, lũ lụt, giá lương thực tăng là do lượng cung giảm, dẫn tới lượng dự trữ cũng giảm theo. Nhưng sau đó, giá lương thực thường giảm xuống. Những gì xảy ra hôm nay lại không như vậy. Lạm phát nông phẩm hiện không chỉ xuất phát từ sự thiếu thốn, mà một nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự giàu có. Đây là một hiện tượng hết sức đặc biệt. Nói một cách cụ thể: tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ làm tăng nhu cầu lương thực. Thêm vào đó là làn sóng phát triển năng lượng sinh học (sử dụng bắp, khoai mì) cũng đẩy giá lương thực thế giới liên tiếp phá kỷ lục.

Cơn sốt dầu mỏ khiến giá nguyên liệu đầu vào (như phân bón cho cây trồng, thức ăn gia súc...) cùng với cước vận chuyển tăng theo, làm rất nhiều hộ nông dân phải chịu lỗ. Chính vì vậy, hiện tượng giá lương thực thế giới leo thang càng làm tăng thêm gánh nặng cho cuộc sống của nông dân cũng như những người có thu nhập thấp. Theo một nhà kinh tế thuộc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), những trận lụt lớn ở Bangladesh, dịch bệnh rầy nâu ở Việt Nam và thiên tai ở Trung Quốc khiến nguồn cung lương thực giảm mạnh, giữa lúc kho dự trữ gạo của nhiều quốc gia châu Á xuống đến mức thấp nhất. Một chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore dự báo tình trạng này có thể dẫn đến những xáo trộn ở châu Á.

Chuyên gia này dẫn chứng tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở hai nước nhập khẩu gạo là Bangladesh và Philippines, nơi người dân phải dành đến 70% thu nhập để mua lương thực. Tại Bangladesh, vật giá leo thang là mối đe dọa thật sự vì có thể làm bùng nổ bạo loạn do sự bất bình trong dân. Tại Philippines, tình hình căng thẳng đến mức quân đội phải huy động binh lính tham gia phân phát gạo ở các khu phố nghèo. Để kiềm chế giá gạo trong nước trong bối cảnh lạm phát tăng cao, Ấn Độ quyết định ngừng xuất khẩu gạo. Tại Malaysia, giá cả tăng vọt cũng ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia phải trợ giá dầu ăn và cam kết phân phát gạo cho người nghèo như một phần của kế hoạch gia tăng uy tín. Còn tại Trung Quốc, nơi giá thịt tăng 60% chỉ trong một năm qua, chính phủ mới đây quyết định không tăng giá thực phẩm và nhiên liệu, cũng như một số nhu yếu phẩm khác. Ngay cả tại quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan, hạt gạo cũng có thể là mầm móng gây căng thẳng. Mặc dù Bangkok không hạn chế xuất khẩu và khẳng định vẫn đủ gạo cho nhu cầu nội địa, nhưng do giá gạo trong nước tăng 50%, nay gạo trở nên quý như vàng, và nạn trộm cắp gạo xảy ra ngày càng nhiều.

(TTXVN)

Chia sẻ bài viết