08/11/2008 - 21:27

“Kim cương đen”

Người da đen ở Nam Phi đang vươn lên tầng lớp trung lưu. Ảnh: Skyscrapercity

Chuẩn bị cho World Cup năm 2010 được tổ chức tại Nam Phi, Sasha Muller bận rộn đàm phán ký kết các hợp đồng cung cấp trang phục, giày, vớ, bóng với các nhà tổ chức và doanh nghiệp mua bán dụng cụ thể thao. Muller, năm nay 28 tuổi, là một trong những doanh nhân thành đạt, đang điều hành một công ty tiếp thị thể thao vốn là địa hạt của giới mày râu. Chị xuất thân ở thành phố Johannesburg nổi tiếng là một trong những khu vực bạo lực nhất dưới chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi trước năm 1990. Hưởng thụ nền giáo dục bậc cao ở Luân Đôn, từng làm việc cho một số công ty hàng đầu thế giới, trong đó có chi nhánh của Microsoft tại Anh, nhưng Muller không muốn định cư tại châu Âu mà về quê hương lập nghiệp.

Chị thuộc nhóm gọi là “Những viên kim cương đen”, tức tầng lớp trung lưu da đen mới nổi đang phát triển nhanh tại Nam Phi. Một báo cáo mới đây cho biết giới tư sản da đen ở nước này có khoảng 3 triệu người, chiếm 6% trong tổng số 48,5 triệu dân Nam Phi. Mặc dù tỷ lệ này chưa tương xứng với 80% dân số là người da đen tại Nam Phi, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng bởi lần đầu tiên trong lịch sử, tỷ lệ người trung lưu da đen ngang bằng với tỷ lệ người trung lưu da trắng tại Nam Phi. Với mức thu nhập trung bình 747 USD/tháng, tầng lớp trung lưu da đen chiếm 28% sức mua của quốc gia, góp phần giúp Nam Phi chống chọi với đà suy thoái kinh tế do giảm phát.

Sự vươn lên của người da đen ở Nam Phi hiện nay được đánh giá là nhanh chóng và mạnh mẽ, vì dưới thời kỳ phân biệt chủng tộc, người da đen gần như đứng bên lề xã hội. Thành quả trên có được là nhờ sau cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, chính phủ Nam Phi thực hiện chính sách “tăng cường quyền lực kinh tế cho người da đen” bằng biện pháp buộc các công ty do người da trắng làm chủ phải bán bớt cổ phần cho các nhà đầu tư da đen, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người da đen tiếp cận hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, sự thăng hoa của một bộ phận người da đen ở thành thị chưa thể được xem là động lực phát triển chung của cộng đồng người da đen chiếm đa số tại Nam Phi. Sau 14 năm Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) lên nắm quyền, 43% dân chúng vẫn sống ở mức dưới 2 USD/ngày và tỷ lệ lao động thất nghiệp lên tới 37%.

KIẾN HÒA (Theo Le Monde)

Chia sẻ bài viết