04/03/2024 - 09:53

ÐBSCL vào cao điểm phòng cháy, chữa cháy rừng 

Nắng nóng kéo dài thời gian qua làm nước trong lâm phần rừng tràm tại ĐBSCL kiệt nhanh. Hiện hàng chục ngàn héc-ta rừng trong khu vực đang có nguy cơ cháy cao, chủ rừng cùng lực lượng chức năng liên quan đang thực hiện các giải pháp, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả.

Một góc VQG U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: QUỐC HUY

Báo động cháy cao

Lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, tỉnh Cà Mau, rộng khoảng 45.000ha; mực nước dưới các kênh, mương trên lâm phần đang dao động từ 1,2-2,5m, nơi thấp nhất chỉ còn khoảng 0,6m. Hiện có hơn 21.000ha/45.000ha rừng đã ở mức báo cháy từ cấp 3 (cấp cao) trở lên, trong đó hơn 1.900ha báo cháy cấp 4 (cấp nguy hiểm) và 290ha báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Trước tình hình nắng hạn gay gắt, dự báo mực nước tiếp tục cạn nhanh, diện tích rừng ở mức báo cháy cấp 4 và cấp 5 tiếp tục tăng.

Trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Hạ đang quản lý khoảng 8.500ha rừng đặc dụng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý hơn 20.000ha rừng sản xuất. Đây là 2 chủ rừng lớn ở Cà Mau. VQG U Minh Hạ đã bố trí 16 đội, chốt trực PCCCR 24/24 giờ; máy móc, trang thiết bị đã được chuẩn bị, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xấu.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc VQG U Minh Hạ, cho biết: “Hạn hán năm nay khắc nghiệt hơn năm trước, nước trong lâm phần rút nhanh nên hiện có gần 3.700ha rừng ở mức báo cháy cấp 3. Đơn vị đã chủ động nạo vét, dọn dẹp các tuyến kênh đảm bảo lượng nước phục vụ các nhiệm vụ PCCCR cũng như lưu thông. Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát cháy hỗ trợ rất nhiều cho nhiệm vụ cảnh báo, tuy nhiên tình trạng người dân vào rừng trái phép, đặc biệt là đi “ăn” ong vẫn là một nỗi lo thường trực. Hằng ngày, lực lượng Kiểm lâm cùng các nhân viên VQG phải tuần tra để phát hiện và xử lý kịp thời”.

Tại Kiên Giang, ông Đoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, một số khu rừng tràm trên địa bàn tỉnh đã kiệt nước. Theo thông tin cảnh báo cháy rừng và qua kiểm tra thực tế, dự báo cháy rừng trên địa bàn Kiên Giang đang từ cấp 3 đến cấp 5. Trong đó, tại huyện An Minh cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 3, dễ xảy ra cháy rừng tại Tiểu khu 32, xã Vân Khánh và Tiểu khu 34, xã Đông Hưng B. Đối với TP Hà Tiên, các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất và Kiên Hải cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan lửa nhanh tại khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Riêng TP Phú Quốc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng.

Theo lãnh đạo VQG U Minh Thượng, đơn vị đã thành lập 3 đội PCCCR (15 người/đội) phụ trách các tiểu khu trên lâm phần và duy trì lực lượng ứng trực tại 10 đội bảo vệ rừng bao quanh vùng lõi, bố trí đầy đủ máy chữa cháy chuyên dùng, vòi chữa cháy, phương tiện vận chuyển và các trang thiết bị cần thiết khác, ứng trực tại chỗ để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Đồng thời nạo vét, dọn vệ sinh 7 hồ chứa nước để tăng khả năng dự trữ nguồn nước phục vụ chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; đắp các cống trên tuyến đê bao quanh vùng lõi kết hợp vận hành hệ thống cống để giữ nước duy trì độ ẩm cho rừng trong suốt mùa khô và dự phòng phương án bơm nước bổ sung vào lâm phần khi mực nước xuống thấp, dự báo cháy rừng cấp cao nguy hiểm; dọn lục bình, bèo, cỏ hơn 80km các tuyến kênh đảm bảo thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm soát, vận chuyển phương tiện, thiết bị… kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra. Tu sửa, dựng bổ sung nhiều tháp quan sát tạm trên lâm phần; thường xuyên bảo trì, sửa chữa các phương tiện, máy chữa cháy để vận hành thông suốt.

Phó Giám đốc VQG U Minh Thượng Trần Văn Thắng cho biết, đơn vị xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy, phân cấp nguy cơ, dự báo, cảnh báo cháy rừng trên lâm phần cụ thể từng thời điểm để kịp thời triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy sát hợp. Đồng thời phối hợp địa phương tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR đến người dân trong vùng đệm. Khi cấp cháy ở mức 4 trở lên, Vườn tạm ngưng các hoạt động du lịch trên toàn lâm phần.

Đã có hơn 21.000/45.000ha rừng tràm U Minh Hạ ở mức báo cháy cấp cao trở lên. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Sẵn sàng khi có tình huống cháy

Để chủ động trong PCCCR, ngay trước khi mùa mưa kết thúc, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã chủ động đắp 85 cống, đập, bảo đảm trữ nước phục vụ PCCCR. Đồng thời phối hợp chặt chẽ các chủ rừng sớm triển khai các giải pháp PCCCR mùa khô 2024 theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Toàn lâm phần rừng tràm Cà Mau đã hoàn thiện 64 chòi quan sát kiên cố; 9 chòi canh tạm thời; các lực lượng làm nhiệm vụ được trang bị 115 máy bơm nước (66 máy công suất lớn) cùng nhiều phương tiện để bảo đảm phục vụ PCCCR kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra.

Song song với chuẩn bị phương tiện, triển khai phương án, lực lượng chức năng Cà Mau cũng tổ chức nhiều đợt diễn tập PCCCR trong lâm phần rừng U Minh Hạ. Người dân địa phương bên cạnh việc cùng diễn tập còn được tập huấn, tuyên truyền về kiến thức và các biện pháp để bảo vệ rừng hiệu quả trong mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Tẻn ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, sống ven vùng đệm VQG U Minh Hạ, cho biết: “Năm nào tôi cũng tham gia trực PCCCR cùng lực lượng của VQG. Hiện nay, rừng có giá trị ngày càng cao nên người dân đã ý thức bảo vệ rừng hơn, bởi bảo vệ rừng là bảo vệ kinh tế, “nồi cơm” của gia đình. Mùa khô đến, tôi cũng đi dọn dẹp cỏ rác, tuân giữ quy định về đốt đồng, đặc biệt phải cẩn thận hơn khi đi “ăn” ong. Bà con ở đây luôn đồng thuận và thực hiện tốt các giải pháp để PCCCR mùa khô”.

Tại Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc VQG Phú Quốc, cho biết đơn vị chủ động lực lượng thực hiện cày đường băng trắng cản lửa và trục cỏ làm giảm vật liệu cháy tại các khu vực đồng tràm Bãi Thơm, Rạch Tràm, Bãi Bổn, Cửa Cạn; làm mới các tuyến đường cơ động PCCCR, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy để dập lửa khi có cháy xảy ra. Phối hợp chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân sống gần rừng, ven rừng thực hiện cam kết không chặt phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép, tuân thủ các biện pháp PCCCR; thành lập, bố trí các tổ, đội PCCCR trên toàn lâm phần và trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô. Kiểm tra toàn bộ hệ thống giếng khơi, bồn chứa nước, nạo vét, gia cố tăng khả năng trữ nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ công tác PCCCR. Vườn bố trí lực lượng trực tháp quan sát lửa, chốt chặn các khu vực trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ đối tượng ra vào rừng kết hợp tăng cường tuần tra để ngăn chặn các nguy cơ gây cháy rừng.

Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra rừng trên địa bàn huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, hiện nay lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng, lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng và PCCCR; tổ chức thanh tra, kiểm tra, truy quét chống chặt phá rừng ở các địa bàn trọng điểm; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là các vụ đốt, phá rừng.

Ông Đoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết: Lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án PCCCR, xử lý những tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng cháy rừng theo quy định, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, cháy rừng... Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố có rừng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách PCCCR; bố trí thêm trạm, chốt, láng trại, lực lượng, phương tiện, thiết bị phù hợp cho từng vùng trọng điểm, đảm bảo lực lượng trực 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ”...

Chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng mùa khô 2024

Chiều 29-2, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) đã đưa ra khuyến cáo các chủ rừng và người dân cần thực hiện nghiêm những biện pháp đảm bảo an toàn PCCCR trong đợt cao điểm mùa khô năm 2024.

Theo báo cáo của C 07, năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 878 tỉ đồng và 236ha rừng. Trong tháng 1-2024, toàn quốc lại xảy ra 376 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 73,89 tỉ đồng và 214,7ha rừng.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết