(CT) - Sáng 7-10, triều cường trên sông Hậu tại TP Cần Thơ đạt mức 1,9m, tương đương báo động II, thấp hơn 0,16m so với sáng 6-10. Triều cường đầu tháng 9 âm lịch bắt đầu xuống dần, tuy nhiên vẫn ở mức tương đương báo động II (1,9m), báo động I (1,8m), cần đề phòng tại một số khu vực trũng thấp, đường giao thông ven sông, rạch bị ngập do triều cường.
Âu thuyền Cái Khế hoạt động đóng, mở cống kịp thời, hiệu quả, góp phần chống ngập do triều tại quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thuỷ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, TP Cần Thơ ghi nhận 2 đợt triều cường gây ngập nghẹt đô thị, vùng trũng thấp, ven sông. Cụ thể, tháng 8 âm lịch ghi nhận 1 đợt triều cường với mực nước đạt đỉnh cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu là 2,08m (vượt báo động III là 0,08m), đỉnh triều xuất hiện vào sáng 22-9-2024, nhằm ngày 19-8 âm lịch; triều cường đầu tháng 9 âm lịch kết hợp với nước thượng nguồn đổ về đạt đỉnh 2,06m (vượt báo động III là 0,06m) vào sáng 6-10-2024, gây ngập nhiều tuyến đường giao thông quận Bình Thuỷ, Ô Môn, Cái Răng… Từ nay đến cuối năm, TP Cần Thơ còn xuất hiện các đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch và những ngày đầu, giữa tháng 10 âm lịch (giữa tháng 10 và những ngày đầu, giữa tháng 11-2024), cần đề phòng ngập nghẹt, đe doạ đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp…
Biểu đồ dự báo mực nước xuống dần trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó với các đợt triều cường sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện cập nhật bản tin khí tượng thủy văn - dự báo triều cường khu vực TP Cần Thơ, tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp ứng phó, nhất là đôn đốc công tác phòng, chống ngập, sạt lở, dọn dẹp vệ sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn nhằm đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị trong và sau các đợt triều cường. Đơn vị liên quan quản lý, vận hành hiệu quả âu thuyền, cống, van ngăn triều chống ngập vùng lõi quận trung tâm Ninh Kiều và một phần quận Bình Thuỷ. Các địa phương cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trong thời đoạn ngắn, giông mạnh kèm theo lốc xoáy, sấm sét; triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt một số vùng trũng thấp; tập trung huy động nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia cố đê bao ngăn triều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản…
Tin, ảnh: HÀ VĂN