02/03/2018 - 22:01

Vui - buồn “giặc bên Ngô”... 

Theo nhiều phụ nữ, trong gia đình chồng, chị dâu - em chồng là quan hệ khá đặc biệt và để xây dựng tình cảm tốt đẹp đôi bên không phải chuyện đơn giản. Có những chị dâu được em chồng yêu mến, tin cậy, góp phần vun đắp thêm hạnh phúc. Ngược lại, không ít trường hợp dù rất cố gắng nhưng vẫn bị chị em chồng xem là người ngoài, gây bao phiền toái…

Chị Bích Thủy (không đội nón) cùng em chồng làm vịt nấu đám tiệc. Gần 30 năm làm dâu, chị được các em chồng rất thương quý.

Năm nào cũng vậy, dịp lễ, Tết, chị Thanh Bình (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) đều mua quà tặng chị dâu. Tết vừa rồi, ngoài phần lì xì hậu hỉ, quần áo mới, chị Bình mua thêm kem để chị dâu trị chứng nứt gót chân. Gần 30 năm về làm dâu nhà chị Bình, chị Võ Thị Bích Thủy (51 tuổi) được 5 cô em chồng (có cô cùng tuổi chị) thương quý. Từ ngày ba má chồng mất, chị Thủy như điểm tựa tinh thần, gắn kết các thành viên gia đình, lo chu đáo việc cúng kiếng, giỗ quảy… Mỗi lần các cô em đưa chồng về thăm, chị Thủy chuẩn bị sẵn quà cho các em. Căn nhà thờ anh em, con cháu thường xuyên tụ họp, như một tổ ấm thiêng liêng của tình thân.

Chị Thủy kể: “Trước khi về làm dâu, tôi biết rõ gia cảnh chồng, đông anh em, kinh tế khó khăn. Thương chồng, tôi không nản, xem nhà chồng cũng như nhà mình. Nếu mình thiệt tình, đối đãi tốt với mọi người thì mọi khoảng cách có thể xóa bỏ”. Từ buổi đầu, chị Thủy tạo ấn tượng đẹp trong mắt các em chồng. Buổi sáng, chị thức sớm pha trà, nấu cơm để mọi người ăn trước khi đi làm. Đêm về, dọn dẹp xong nhà cửa, bếp núc, chị Thủy mới yên tâm đi ngủ. Cả ngày vất vả đồng áng, nhưng các em nhờ vả, yêu cầu việc gì, chị Thủy cũng làm. Đôi lúc, có em nghĩ chưa thông suốt nói ra nói vào, chị Thủy bỏ qua hết, không hờn giận, còn ân cần giúp đỡ em út lúc hữu sự. Dần dà, sự giỏi giang, chân tình của chị Thủy khiến các em nể phục, xem như chị ruột. Đáng nhớ nhất thời điểm cha mẹ chồng phát bệnh ung thư, vợ chồng chị cùng anh em trong nhà đóng góp tiền bạc, công sức chạy chữa, chăm sóc chu đáo đến ngày cha mẹ qua đời. Chị Thanh Bình tâm sự: “Mỗi lần họp mặt, chị em nhắc chuyện xưa và cảm thấy thương nhau hơn. Chúng tôi thật may mắn có chị dâu thảo hiền”.

Đối với chị Trần Thị Nghĩa (quận Ninh Kiều) gia đình chồng như mái nhà thứ hai. Các em chồng gần 40 năm qua vẫn dành cho chị tình cảm đặc biệt. Về làm dâu lúc cha chồng bị bệnh, mẹ chồng túc trực bệnh viện, chồng đi làm xa (nhiều năm đi học nước ngoài), chị Nghĩa vừa lo con nhỏ, vừa chăm sóc 2 em trai chồng học cấp 1. Chị Nghĩa nhớ lại: “Làm sao nói hết vất vả trước đây, chuyện kiếm tiền mua đủ thức ăn trong ngày là cả vấn đề. Mấy chú còn nhỏ, tôi phải chăm lo vệ sinh, ăn uống, nhắc nhở học hành”. Hai em chồng hiện có gia đình, kinh tế khá giả, dù rất thành đạt bên ngoài xã hội nhưng luôn cư xử đúng mực, kính trọng chị dâu. Mẹ chồng chị Nghĩa nay gần 80 tuổi, rất hài lòng con dâu đẹp người đẹp nết và các cháu nội ngoan ngoãn, đỗ đạt.

Quá hạnh phúc khi chị Thủy, chị Nghĩa được gia đình chồng thấu hiểu, đồng cảm. Bên cạnh đó, nhiều chị dù tận tâm nhưng không được em chồng ghi nhận. Chị P.D. (36 tuổi, quận Bình Thủy) lấy chồng 9 năm nhưng chưa thật sự được mẹ và em chồng xem như thành viên trong nhà. Do yêu cầu công tác, vợ chồng chị D. vay tiền mua nhà ở TP Cần Thơ để tiện đi làm, cha mẹ chồng sống ở quê (Sóc Trăng) cùng vợ chồng em chồng. Cha mẹ không túng thiếu, hằng tháng chị D. vẫn trích tiền lương biếu cả hai chi xài. Không thích chị dâu, em chồng thường đơm đặt tai tiếng, gây chia rẽ. Mẹ chồng nghe lời con gái nặng nhẹ con dâu, xúi con trai không đưa tiền cho vợ. Khi bán đất, mẹ chồng không chia tài sản cho vợ chồng chị D., để con gái đứng tên sổ ngân hàng “giùm” anh trai, em chồng được thể càng xem thường chị dâu. Dù khéo léo trong cư xử, nhẫn nhịn nhưng có lúc, chị D. quá ức chế, bức xúc, lời qua tiếng lại với em chồng. Ra riêng hơn 7 năm nhưng em chồng vẫn cố tình can thiệp nên cuộc sống vợ chồng D. không mấy ấm êm.  

Mấy năm nay, bạn tôi (42 tuổi, nhân viên ngân hàng) cũng khổ sở với cô em chồng có tật hay so bì. Anh trai sắm đồ cho chị dâu, không mua cho mẹ và mình, liền bày trò, xách mé đủ điều. Có gia đình riêng, nhưng cô thường dẫn các con ghé “ăn ké” nhà anh để khỏi nấu nướng. Mỗi khi thấy mẹ ruột vào bếp hoặc làm việc nhà, cô trách chị dâu không thương mẹ lớn tuổi, mách anh trai, khiến vợ chồng bạn lục đục. Chịu không thấu, bạn tôi phải thuê nguời làm, phục vụ luôn em chồng mỗi khi “mệt” đột xuất…

Ông bà xưa đúc kết kinh nghiệm: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, hàm ý nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người này, tác động không nhỏ đến tình cảm cha mẹ chồng và chồng. Vì vậy, khi lập gia đình, việc tạo quan hệ tốt với anh, chị, em gái chồng là rất cần thiết. Tuy nhiên, quan hệ này vun đắp từ hai phía, mỗi bên có thành ý, mở lòng để hướng tới xây dựng gia đình chung hạnh phúc, mới thật sự ý nghĩa.l 

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết