21/06/2017 - 10:10

Tương lai nào cho phiến quân người Kurd ở Syria?

Máy bay tiêm kích F/A-18 từ hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush của Mỹ trên Biển Đỏ đã xuất kích bắn hạ chiến đấu cơ cường kích Su-22 của quân đội Syria tại tỉnh Raqqa hôm 18-6 nhằm bảo vệ cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), mà nòng cốt là các tay súng người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Lực lượng này do Mỹ đào tạo, cung cấp vũ khí và tài trợ.

Lầu Năm Góc giải thích Mỹ không có ý định chống lực lượng quân đội Syria mà chỉ thực thi cam kết "bảo vệ tập thể" cho liên minh tham gia chống IS. Sau khi Bộ Quốc phòng Nga dọa sẽ nhắm vào bất kỳ mục tiêu bay nào của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại khu vực tác chiến của Nga, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford Jr đã lên tiếng xoa dịu. Ông tuyên bố Washington sẽ thúc đẩy các cuộc tiếp xúc cả quân sự lẫn ngoại giao để nối lại đường dây nóng quân sự Mỹ-Nga nhằm giảm thiểu các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ va chạm.

Mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ là tiêu diệt IS. Nhưng liệu Mỹ có bảo vệ lực lượng phiến quân người Kurd bằng mọi giá, khi mà nước này đang có khoảng 1.000 cố vấn quân sự tại Syria và vừa triển khai hệ thống tên lửa đa nòng Himars tới đây? Theo cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford, Mỹ khó lòng dung dưỡng mãi cho nhóm "ô hợp" SDF bởi các tay súng người Kurd ngoài việc muốn đấu tranh thành lập vùng tự trị ở miền Bắc Syria còn đang chống lại lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hậu thuẫn ở Syria. Ankara cũng cực lực phản đối đồng minh Washington hỗ trợ người Kurd Syria vì lo ngại lực lượng này sẽ cùng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq lập quốc gia riêng.

Trong khi đó, với sức mạnh được hồi sinh của quân đội Syria nhờ sự trợ giúp mạnh mẽ của Nga và Iran, ông Ford cho rằng Mỹ không thể bảo vệ người Kurd chống lại Chính phủ Syria. "Điều mà chúng ta (Mỹ) đang làm với người Kurd không chỉ ngu xuẩn về chính trị mà cả đạo đức. Người Kurd Syria đang mắc sai lầm lớn nhất của họ là tin tưởng vào người Mỹ" –- cựu đại sứ Mỹ nhận định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Asharq al-Awsat tại Luân Đôn (Anh) hôm 19-6.

Tương lai có thể là vậy. Còn hiện tại chiến dịch đánh bại IS tại thành trì Raqqa sắp tới được dự báo sẽ đầy khó khăn và khốc liệt không chỉ bởi sự liều lĩnh, tàn bạo của các tay súng Hồi giáo cực đoan mà còn vì sự ganh đua, dền dứ giữa liên quân do Mỹ dẫn đầu và trục Nga-Syria-Iran. Nga mới đây thông báo lập công lớn khi tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tại Raqqa. Iran thì vừa gởi thông điệp cho Mỹ và Trung Đông khi lần đầu tiên bắn hàng loạt tên lửa ngang qua không phận Iraq đến mục tiêu IS ở Syria từ khoảng cách 600-700 km.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
KurdMỹSyria