18/05/2018 - 07:00

Thiếu nước - thách thức môi trường lớn trong thế kỷ 21 

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cảnh báo như thế trong báo cáo công bố hôm 16-5, sau khi họ phát hiện nguồn cung nước ngọt tại 19 điểm nóng trên toàn cầu đã giảm nghiêm trọng do con người sử dụng quá mức.

Một con kênh cạn nước ở miền Nam Iraq. Ảnh: Guardian
Một con kênh cạn nước ở miền Nam Iraq. Ảnh: Guardian

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu có được từ sứ mệnh của hai vệ tinh song sinh GRACE để theo dõi xu hướng nước sạch trên toàn cầu giai đoạn 2002-2016. Họ tìm hiểu các khu vực tăng hoặc giảm lượng nước sạch, bao gồm nước tích trữ trong tầng nước ngầm, băng tuyết, sông hồ và đất, để xác định các nguyên nhân lớn nhất gây ra những thay đổi trên. Các nhà khoa học ước tính lượng nước mất đi và có được theo đơn vị tỉ tấn/năm, trong đó 1 tỉ tấn nước đủ bơm đầy 400.000 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.

Sự sụt giảm nước sạch được thấy rõ ở nhiều vùng sản xuất lương thực quan trọng của thế giới. Theo đó, các khu vực ở phía Đông và Bắc Ấn Độ, Trung Đông, California (Mỹ) và Úc là những điểm nóng mà việc lạm dụng nguồn nước đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lượng nước sạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Tại miền Bắc Ấn Độ, bơm nước ngầm để phục vụ cho hoạt động tưới tiêu là thủ phạm khiến nước sạch giảm nhanh, bất chấp vùng này đón nhận lượng nước mưa ở mức bình thường. Trong khi đó, Nam California đã mất hơn 4 tỉ tấn nước/năm trong giai đoạn nghiên cứu, do nông dân phụ thuộc nhiều vào nước ngầm khi bang này trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Một số vùng nông nghiệp khác, bao gồm Bình Nguyên Hoa Bắc và một số khu vực ở Saudi Arabia cũng chứng kiến cảnh người dân phụ thuộc quá nhiều vào nước ngầm. Saudi Arabia có giai đoạn mất đến 6,1 tỉ tấn nước/năm.

Riêng ở Iraq và Syria, việc người dân dựa dẫm quá nhiều vào nước ngầm một phần là do Thổ Nhĩ Kỳ xây 22 con đập ở các sông Tigris và Euphrates trong 3 thập niên qua. Điều này khiến khu vực trên trở thành điểm nóng lớn nhất, theo đánh giá của nghiên cứu. Nước ở Biển Caspi cũng giảm mạnh. Trước đây, sự thay đổi này do biến đổi tự nhiên, nhưng nay báo cáo của NASA chỉ ra thủ phạm chính là hoạt động chuyển dòng và rút nước từ các con sông (chảy ra biển) để phục vụ cho nông nghiệp và công nghiệp. Ngoài ra, việc xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Trường Giang ở Trung Quốc và những hồ chứa nước khác tại nước này cũng ảnh hưởng đến môi trường.

Đây là nghiên cứu đầu tiên kết hợp những phép đo đạc trực tiếp bằng vệ tinh với các bộ dữ liệu khác để đánh giá những thay đổi về nước sạch ở khắp nơi trên Trái đất và phân tích các nguyên nhân. Các tác giả của nghiên cứu cho biết mặc dù còn quá sớm để xác định những phát hiện trên chắc chắn là do tình trạng ấm lên toàn cầu, nhưng chúng cũng cho thấy “sự liên quan rõ rệt của con người” đối với chu kỳ nước trên thế giới.

THANH BÌNH (Theo Guardian, USA Today)

Chia sẻ bài viết