14/01/2018 - 10:40

Ông Trump ra “tối hậu thư” về thỏa thuận hạt nhân Iran 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) cảnh báo Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu phải cùng làm việc để sửa chữa “những sai lầm khủng khiếp” trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Còn không, Washington ngay lập tức rút khỏi hiệp ước này.

 Ảnh: Shutterstock

 Ảnh: Shutterstock

Trong một tuyên bố hôm 12-1,  Tổng thống Trump cho biết sẽ gia hạn nới lỏng lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran theo các điều khoản của Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức). Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh đây là lần miễn trừ cuối cùng nếu Mỹ và đối tác châu Âu trong vòng 120 ngày tới không thể nhất trí các điều kiện cơ bản cho một thỏa thuận mới.  “Tôi tạm thời chưa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thay vào đó, tôi đã vạch ra 2 con đường: hoặc sửa chữa những sai lầm tai hại trong bản hiệp ước hoặc Washington sẽ rút lui” – trích tuyên bố của ông Trump.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẵn sàng làm việc với Quốc hội Mỹ và 3 nước đồng minh Anh, Pháp, Đức về vấn đề Iran. Nhưng bất kỳ dự luật nào thông qua phải đáp ứng 4 yếu tố, trong đó đòi hỏi Iran cho phép kiểm tra tất cả địa điểm theo yêu cầu của thanh sát viên quốc tế và đảm bảo Tehran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo thỏa thuận năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân ít nhất 10 năm để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng điều kiện ông Trump đưa ra mới đây yêu cầu thỏa thuận sửa đổi không có ngày hết hạn. Tổng thống Trump cũng muốn Quốc hội Mỹ điều chỉnh vai trò của Washington trong hiệp ước, cho phép Mỹ nối lại các biện pháp trừng phạt nếu Tehran vi phạm một số điểm nhất định.

Sau thông báo của ông Trump, các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama từng hỗ trợ quá trình đàm phán thỏa thuận 2015 lên tiếng nhắc nhở JCPOA đảm bảo Tehran không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Mỹ cũng là một phần của thỏa thuận. Việc Tổng thống Trump không duy trì cam kết chắc chắn khiến uy tín của Washington tổn hại nghiêm trọng. Các nhà phê bình chỉ trích chính sách của Tổng thống Trump cho rằng thiết lập thỏa thuận song phương với các đồng minh châu Âu không chỉ làm suy yếu hiệp ước hiện tại mà còn khiến Washington bị cô lập.

Về phần châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đã ghi nhận và sẽ đánh giá ý nghĩa trong quyết định của lãnh đạo Mỹ. Dù vậy, giới quan sát cho rằng các đối tác của Mỹ dường như không mặn mà với việc đàm phán thỏa thuận tiếp theo. Theo đánh giá của đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, JCPOA đang vận hành tốt và đạt mục tiêu duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với chương trình hạt nhân Iran. Trong khi đó, tờ Guardian cho biết 3 nước Anh, Pháp, Đức đã lên tiếng khẳng định họ vẫn thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận và kêu gọi Mỹ tuân thủ cam kết. Chính phủ 3 nước cũng tuyên bố họ sẵn sàng thảo luận những giải pháp hạn chế Iran phát triển tên lửa cũng như tiến hành các cuộc đàm phán nhưng sẽ không làm gì trái với JCPOA.

Trong một phản ứng đầu tiên vào hôm qua được hãng thông tấn IRNA đăng tải, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào đối với thỏa thuận hạt nhân cả ở hiện tại lẫn tương lai. “Iran sẽ không thực thi bất kỳ hành động nào nằm ngoài các cam kết theo thỏa thuận” - thông báo nhấn mạnh. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết