23/05/2008 - 07:36

Internet - “vũ khí lợi hại” của Obama

Thượng nghị sĩ Barack Obama (ảnh) đang tiến sát đến tấm vé đề cử ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Mỹ. Một trong những chìa khóa giúp ông từ một chính khách ít tiếng tăm lẫn tài lực qua mặt đối thủ “cao tay” Hillary Clinton một cách ngoạn mục chính là Internet. Hãng tin Anh BBC hôm qua có bài phân tích về vấn đề này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Trong những năm gần đây, Internet đã trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị ở Mỹ. Và nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với chiến dịch vận động tranh cử của Thượng nghị sĩ Obama, vốn có xuất phát điểm thấp hơn về mọi mặt so với cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. Việc tận dụng thế mạnh của Internet - cho phép nhanh chóng huy động lực lượng ủng hộ lẫn gây quỹ không giới hạn - ngay từ những ngày đầu đã giúp Obama từ thế yếu vượt lên dẫn trước trong cuộc đua giành suất đề cử của Đảng Dân chủ.

Phi Noble, chuyên gia theo dõi xu hướng Internet hóa trong chính giới, nhận định chiến lược Internet chính là tâm điểm của kế hoạch chinh phục cử tri Đảng Dân chủ của ông Obama. Khi Thượng nghị sĩ bang Illinois này tuyên bố ra tranh cử, trang web của ông đã được thiết lập hoàn chỉnh với đầy đủ công cụ cho phép các ủng hộ viên gặp gỡ, vận động cũng như đóng góp quỹ. Ở đây cần nói thêm trong khi Thượng nghị sĩ Hillary vận động tiền quỹ chủ yếu từ những nhân vật “tai to mặt bự” mà theo qui định của pháp luật mỗi người không được góp quá 2.300 USD thì hai triệu người đăng ký là thành viên website của Obama hiện vẫn tiếp tục đóng góp cho ông mỗi lần 5, 10 hay 50 USD.

Theo ước tính của Michael Turk, giám đốc “vận động điện tử” cho chiến dịch vận động tranh cử của bộ đôi Bush - Cheney năm 2004, số tiền gây quỹ trực tuyến của ông Obama có thể lên tới 1 tỉ USD - gấp 12 lần so với con số Thượng nghị sĩ John Kerry, cựu đối thủ của Tổng thống Bush, thu được qua mạng cách đây 4 năm. Nhờ nguồn tài chính dồi dào, ông Obama có nhiều lợi thế hơn bà Hillary trong việc tổ chức vận động tranh cử lẫn đánh bóng hình ảnh trước công chúng. Trong khi đó, do tài chính thiếu hụt nên gia đình Clinton phải móc tiền túi, và hạn chế số bang có thể đến vận động.

Không những góp tiền, 2 triệu ủng hộ viên trực tuyến còn được huy động làm tình nguyện viên cho chiến dịch vận động tranh cử của Obama - một lợi thế nữa mà bà Hillary không có được. Đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu này hoạt động đều khắp tại các bang nhỏ, vốn không được đối thủ Hillary coi trọng, lẫn các bang lớn vốn là “địa bàn” của cựu Đệ nhất phu nhân.

Một trong những nét độc đáo của chiến dịch vận động qua mạng của ông Obama chính là khả năng lôi kéo các trang mạng xã hội như MySpace và Facebook. Thật ra, chính việc những người ủng hộ lập một trang trên MySpace nhanh chóng thu hút 160.000 người đăng ký làm thành viên là một trong những yếu tố chi phối quyết định ra tranh cử của Obama. Theo Paula Zube và Rebecca Hayes của Đại học bang Michigan, mức độ nổi tiếng của Obama trên Facebook - trang mạng xã hội chủ yếu của giới sinh viên - thì không một ứng cử viên nào có thể sánh được. Việc sử dụng các trang mạng xã hội cũng giúp Obama thu hút tầng lớp thanh niên vốn không mặn mà với đời sống chính trị nhưng lại chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cán cân cử tri, theo giáo sư Thomas Patterson của Đại học Harvard.

Xét ở phương diện nào đó, Obama đã học bài học từ chiến dịch thất bại của Howard Dean trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2004. Howard là ứng cử viên Đảng Dân chủ đầu tiên sử dụng Internet - thông qua blog - để tập hợp lực lượng ủng hộ viên. Obama cũng rút tỉa kinh nghiệm từ chiến dịch vận động qua mạng rất thành công giúp Tổng thống Bush tái đắc cử vào năm đó. Theo giám đốc Michael Turk, phe Cộng hòa thu hút ủng hộ viên thông qua việc kết hợp gửi e-mail và “khai thác dữ liệu” trên Internet. Mặc dù Đảng Cộng hòa đi tiên phong trong việc vận động qua mạng (ứng cử viên John McCain được xem là người khai mào trào lưu này vào năm 2000 khi ông so kè với George Bush) nhưng theo chuyên gia Phil Noble, phe Dân chủ, mà cụ thể là Obama, sẽ tiếp tục thắng thế trong việc sử dụng “vũ khí” Internet trong cuộc đua chinh phục trái tim cử tri Mỹ vào tháng 11 tới.

DUYÊN MAI (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết