12/08/2018 - 08:23

Địa chấn tiền tệ từ Thổ Nhĩ Kỳ 

Giữa lúc đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá kỷ lục so với USD, thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ chao đảo bởi các nhà đầu tư lo ngại chính quyền Ankara sẽ có những bước đi quyết liệt, cứng rắn hơn.

Tổng thống Erdogan phát biểu trước đám đông ủng hộ tối 10-8. Ảnh: AP
Tổng thống Erdogan phát biểu trước đám đông ủng hộ tối 10-8. Ảnh: AP

Sáng 10-8 tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira sụt giảm thêm 18% so với USD, một ngày sau khi các cuộc đàm phán tại Washington giữa phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ và giới chức Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước rơi vào bế tắc. Đây là mức giảm kỷ lục và lớn nhất trong một ngày của đồng Lira kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ năm 2001 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi xảy ra cơn “địa chấn” tiền tệ mới, đồng Lira cũng đã mất 22% giá trị trong vòng 2 tuần qua sau hàng loạt căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh trong Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài việc đánh thuế thép và nhôm của Ankara, chính quyền Washington quyết định đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh hai bộ trưởng tư pháp và nội vụ của Thổ Nhĩ Kỳ vì có liên quan đến vụ giam giữ linh mục người Mỹ Andrew Brunson  với tội danh do thám và hỗ trợ khủng bố.

Giới đầu tư lo ngại ông Erdogan

Theo hãng tin AFP, sự sụt giảm không phanh của đồng Lira là một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất mà Tổng thống Tayyip Erdogan đang phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền năm 2003, theo sau làn sóng khủng hoảng tài chính năm 2001 khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gần như phá sản. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Lira mất giá hơn 40% so với USD, từ 4,7 Lira đổi 1 USD thành 6,4 Lira đổi 1 USD. Cú sốc tiền tệ hôm 10-8 còn xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông đã cho phép chính quyền tăng thêm thuế nhập khẩu thép và nhôm lên 50% và 20% từ Nhổ Nhĩ Kỳ. Viết trên Twitter, ông Trump tuyên bố “đồng Lira trượt giá nhanh trước đồng đô-la mạnh của chúng ta. Quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ không được tốt ở thời điểm này”.

Trong khi đó tại Ankara, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt và sức ép của Mỹ sẽ chỉ gây tổn hại tới mối quan hệ giữa hai đồng minh, đồng thời tuyên bố Ankara sẽ tiếp tục đáp trả các mức thuế của Mỹ nếu cần thiết. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ ra một tuyên bố nói rằng các mức thuế bổ sung đối với mặt hàng thép và nhôm mà Mỹ áp đặt vi phạm nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Phát biểu trước những người ủng hộ tối 10-8, Tổng thống Erdogan thách thức rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giành thắng lợi trước những kẻ “tuyên chiến kinh tế”, đồng thời kêu gọi mọi người dân nước này “dốc hầu bao đồng đô-la, euro hay vàng để đổi lấy đồng Lira”. Ông cho rằng đây là “cuộc chiến nội bộ của quốc gia” nên người dân Thổ Nhĩ Kỳ cần quyết định vận mệnh của chính mình.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan  tỏ ra im lặng bất thường trước biện pháp đánh thuế mới của Mỹ. Các nhà đầu tư quan ngại ông Erdogan sẽ siết chặt chính sách tiền tệ cũng như buộc các ngân hàng cho vay tín dụng với lãi suất thấp nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, bất chấp chỉ số lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức hai con số. Theo quy định của hiến pháp, Tổng thống Erdogan được trao nhiều quyền lực hơn trong điều hành hoạt động của chính phủ.

Ảnh hưởng kinh tế-tài chính toàn cầu

Theo hãng tin Reuters, thị trường mới nổi Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng đối với các nước có chung đường biên giới như Iran, Iraq và Syria, nên sự biến động tài chính từ Ankara có nguy cơ làm bất ổn thêm khu vực vốn dễ đổ vỡ này.

Trước sự sụt giảm thê thảm của đồng Lira, giá cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu biến động  mạnh. Cổ phiếu của Ngân hàng Deutsche Đức được niêm yết tại Mỹ mất tới 4,7% giá trị, xuống còn 11,82 USD/cổ phiếu. Ngân hàng Tây Ban Nha Banko Santander cũng giảm 4,7%, xuống còn 5,19 USD/cổ phiếu. Đồng euro của châu Âu giảm xuống còn tương đương 1,1398 USD, mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Chứng khoán DAX của Đức trung bình giảm 2%, CAC 40 của Pháp giảm 1,6%...

Theo Thời báo New York, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đứng thứ 17 thế giới nhưng vấn đề sẽ tồi tệ hơn trong bối cảnh chiến tranh thương mại của ông Trump đang lan rộng toàn cầu gây phẫn nộ nhiều đồng minh lâu năm và đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara mong muốn các vấn đề được giải quyết thông qua ngoại giao, đối thoại, thiện chí và thỏa thuận song phương. Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Ruhsar Pekcan cũng kêu gọi Tổng thống Trump trở lại bàn đàm phán về thuế, cho rằng bất đồng thương mại giữa hai đồng minh NATO có thể và cần được giải quyết thông qua đối thoại. Mỹ là nhà nhập khẩu thép lớn nhất, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu thép  của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Tài chính Berat Albayrak, con rể của ông Erdogan, trấn an giới đầu tư trong cuộc họp báo rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo vệ tính độc lập của ngân hàng trung ương trong chính sách tiền tệ quốc gia và kêu gọi triển khai một “mô hình kinh tế mới”.

 KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết