06/04/2017 - 08:48

Cần "nhạc trưởng" và các chính sách ưu đãi cho phát triển du lịch ĐBSCL

(CT)- Ngày 5-4-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức công bố quyết định số 2227/QĐ-TTg, ngày 18-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Quy hoạch). Tham dự có ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Lê Văn Tâm- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp du lịch 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Quy hoạch định hướng phát triển du lịch ĐBSCL tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; khẳng định vị trí trong tổng thể du lịch Việt Nam; từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội của vùng; góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu cụ thể: đến năm 2020 đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25 nghìn tỉ đồng; đến năm 2030 đạt trên 111 nghìn tỉ đồng.

Quy hoạch xác định loại hình sông nước, miệt vườn là sản phẩm đặc trưng; bên cạnh phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, biển đảo, cộng đồng, MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện), tìm hiểu di tích, di sản văn hóa… Từ đó, xác định tập trung phát triển 5 khu du lịch quốc gia: Thới Sơn nằm trong cụm cù lao Long Lân Quy Phụng (Tiền Giang, Bến Tre), Phú Quốc (Kiên Giang), Năm Căn- Mũi Cà Mau (Cà Mau), Tràm Chim- Láng Sen (Long An, Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang); 7 điểm du lịch quốc gia: Khu phức hợp giải trí Xứ sở Hạnh phúc (Long An), cù lao Ông Hổ (An Giang), Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Bến Ninh Kiều (Cần Thơ), Hà Tiên (Kiên Giang), Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long), Ao Bà Om (Trà Vinh). TP Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được phát triển thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng; TP Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng. Đầu tư 4 chương trình: Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; Bảo tồn, tôn tạo, phát triển tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; Phát triển hạ tầng du lịch then chốt.

Các đại biểu tham dự kiến nghị Bộ VHTTDL sớm xác định "nhạc trưởng" (Ban điều phối vùng), xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi về phát triển du lịch cho ĐBSCL. Ông Hà Văn Siêu ghi nhận các đề xuất, kêu gọi các địa phương rà soát quy hoạch du lịch, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung; chủ động xây dựng các chương trình hành động, góp phần thực thi quy hoạch để làm thay đổi diện mạo du lịch vùng.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết