13/11/2018 - 09:40

“Ăn bay” – Ký ức một thời 

Những biến động của lịch sử , một thanh niên phiêu bạt giang hồ suốt thời gian dài. May mắn, sức mạnh của tình yêu, gia đình cùng sự hướng thiện giúp anh ta tìm được mục tiêu, ý nghĩa sống để làm lại cuộc đời. Tiểu thuyết “Ăn bay” của nhà văn Nguyễn Trí (NXB Phụ Nữ - 2018) lôi cuốn độc giả bởi nội dung hấp dẫn, ý nghĩa.

Bối cảnh chính của tác phẩm diễn ra từ năm 1972, kéo dài đến ngày nay, xoay quanh cuộc đời của Sơn. Anh chứng kiến những sự kiện lịch sử của đất nước, mà nổi bật là ngày 30-4-1975, đến những ngày đầu tái thiết đất nước với các mô hình kinh tế mới, hợp tác xã nông nghiệp…Vốn là con của một sĩ quan cộng hòa, Sơn, trước những đổi thay của lịch sử đã không thể vững lòng, bị dụ dỗ dính vào ma túy. Khi cai được rồi lại bị kẻ xấu hãm hại đi trại cải tạo, anh bỏ trốn lang bạt giang hồ. Sau một thời gian thì quay về, cùng gia đình xây dựng kinh tế mới. Không bao lâu, vì tình ái lại bị kẻ gian vu oan. Một lần nữa, Sơn lại bỏ trốn, làm đủ thứ nghề để mưu sinh... Cuối cùng, khi mỏi gối chồn chân, muốn làm lại cuộc đời, Sơn đã có quyết định bất ngờ để thay đổi số phận của mình.

Với góc nhìn của nhân vật chính - một người dân bình thường - bối cảnh xã hội và lịch sử được tường thuật một cách khách quan, giúp người đọc hiểu hơn cuộc sống của một bộ phận người dân trong một giai đoạn đã qua. “Ăn bay” kể lại ký ức nhiều sự kiện mà Sơn đã trải qua. Ở đó, có sự căng thẳng, bi thương của chiến tranh; có sự ngổn ngang, khó khăn của công cuộc xây dựng kinh tế trong những ngày đầu tái thiết đất nước; có những kẽ hở về pháp luật để kẻ xấu lợi dụng vu oan người vô tội; có những bão táp, phong trần của giới giang hồ; có những phận người và nghề chỉ còn trong quá khứ như: nhảy tàu, ăn bay (trộm cướp, lừa đảo trên tàu lửa, xe quân sự), canh mánh vượt biên… Tác phẩm như một bức tranh thu nhỏ của xã hội một thời mà tác giả khắc họa tỉ mỉ và chọn lọc chi tiết đắt giá. Đặc biệt, nhân vật Sơn tuy là giang hồ nhưng lại chính trực và có nghĩa khí, không làm những chuyện hèn hạ hại người.   

Điều thành công nhất của tiểu thuyết chính là cái kết nhân văn. Tình yêu chân thành của một cô gái cùng đứa con mới thành hình đã neo lại kẻ lang bạt, mất niềm tin và mục đích sống như Sơn, khiến anh thay đổi tích cực. Để rồi mấy mươi năm sau, Sơn có được sự yêu mến, kính trọng của mọi người bằng chính cách sống uy tín, nhân nghĩa của mình. Lời tâm sự và khuyên nhủ của ông với một chàng trai đang thất chí càng đáng cho mọi người suy ngẫm: “Thời nào cũng vậy, phải thuận theo tự nhiên mà sống thôi, làm gì làm cũng ráng sống sao cho tử tế hết mức có thể” (trang 324).

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết