12/04/2024 - 10:54

Những tư liệu quý về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève 

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư lưu trữ, Bộ Nội vụ, vừa tổ chức giới thiệu các tài liệu lưu trữ quốc gia về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và Hội nghị Genève cách đây tròn 70 năm. Ðây là những tư liệu quý báu, góp phần thiết thực vào việc nghiên cứu, giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta.

Một số tài liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève được công bố. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, đơn vị đang bảo quản một khối lượng lớn hồ sơ, tài liệu tái hiện về hoàn cảnh lịch sử, quá trình chỉ đạo, sự chuẩn bị Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; diễn biến và kết quả, ý nghĩa của chiến dịch; quá trình quân dân cả nước phối hợp cùng chiến trường Ðiện Biên Phủ. Ngoài ra, còn có nhiều hình ảnh, tư liệu phản ánh dư luận và tình cảm bạn bè quốc tế về chiến dịch; công tác hậu cần chiến dịch; chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa với các thương bệnh binh và với các hàng binh; tài liệu về tinh thần lạc quan chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch…

Ðặc biệt, những tư liệu về Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Ðông Dương năm 1954, gồm những tài liệu, hình ảnh về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả hội nghị, tác động và quá trình thực thi hiệp định; dư luận thế giới đối với hội nghị… cũng được giới thiệu dịp này. Trong đó, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III công bố nhiều bản tuyên bố về lập trường, quan điểm của các bên tham gia hội nghị, về sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam… phản ánh một cách sinh động về diễn biến của Hội nghị Genève.

Ở nội dung tư liệu về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, có nhiều hình ảnh thể hiện sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này. Ðơn cử là bức ảnh Khu trung tâm Mường Thanh rung lên và bốc cháy vì đạn đại bác của Quân đội ta, năm 1954. Hình ảnh thể hiện cảnh bộ đội ta chiếm xe tăng của Pháp, tất cả binh lính trên xe xin hàng, năm 1954. Bên cạnh đó còn là những tài liệu hết sức giá trị: Thư ngày 11-5-1954 của Tướng Na-va gửi Tướng Giáp đề nghị Tướng Giáp đồng ý về nguyên tắc đối với việc cho phép sơ tán thương binh bị bắt làm tù binh ở Ðiện Biên Phủ, ngày và điều kiện sơ tán bằng đường hàng không; Thông báo ngày 19-5-1954 của Hội đồng Chính phủ về việc khen tặng Ban Chỉ huy mặt trận Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; Báo cáo ngày 27-5-1954 của Tư lệnh Không quân Viễn Ðông về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ…

Ngày 8-5-1954, 1 ngày sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hội nghị Genève về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Ðông Dương chính thức khai mạc. Sau 75 ngày đàm phán với 31 phiên họp cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Ðông Dương đã được ký kết, mở ra trang sử mới với dân tộc Việt Nam và trong quan hệ Việt Nam - Pháp. Với sự kiện lịch sử này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III giới thiệu nhiều tài liệu sinh động như hình ảnh đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự Hội nghị Genève; hình ảnh đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Dân chủ cộng hòa Tạ Quang Bửu ký Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Ðông Dương tại Cung Quốc gia, Genève, tháng 7-1954… Một tài liệu được đặc biệt chú ý là Bản Hiệp định Genève với bìa màu đỏ, ghi bằng tiếng Pháp, cùng với một số trang nội dung hiệp định.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, các tài liệu này được hình thành từ quá trình của các cơ quan tổ chức nhà nước thuộc các phông: Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Ủy ban Hành chính Khu tự trị Tây Bắc, Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu Tả Ngạn, Nha Giao thông, Tài liệu ảnh thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946-1954), tài liệu ảnh phông Bộ Ngoại giao… Bên cạnh đó là tài liệu, tư liệu, sách, báo có nguồn gốc cá nhân thuộc các phông: Ðặng Thai Mai; Ðại tá Ðại sứ Hà Văn Lâu… cùng khối tài liệu tiếp nhận từ Lưu trữ quốc gia Pháp, Lưu trữ Liên bang Nga…

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết