TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Tờ Al-Jadid của Qatar cho biết, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman được cho đang thành lập một lực lượng hải quân chung để bảo vệ an ninh ở Vịnh Persic. Trong đó, Trung Quốc là bên đóng vai trò hỗ trợ các cuộc đối thoại diễn ra giữa 4 nước nhằm đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực.
Tàu Hải quân Iran tuần tra gần Eo biển Hormuz. Ảnh: AFP
Giới phân tích cho rằng sự hình thành lực lượng hải quân chung giữa Iran, Saudi Arabia, UAE và Oman có thể phản ánh tuyên bố của Tư lệnh Hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Alireza Tangsiri, người từng nói rằng “an ninh của Vịnh Persic có thể được Iran và các quốc gia trong khu vực đảm bảo mà không cần sự hiện diện của Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”. Ngoài 4 nước nói trên, ông Tangsiri cho biết Bahrain, Qatar, Iraq, Ấn Độ và Pakistan có thể tham gia lực lượng hải quân vùng Vịnh.
Gerard Filitti, cố vấn cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận The Lawfare Project (Mỹ) đồng thời là chuyên gia về an ninh quốc gia và chống khủng bố, nói với tờ National Review rằng lực lượng hải quân chung vùng Vịnh có thể chỉ được giao nhiệm vụ chặn cướp biển và buôn bán ma túy trong khu vực. Tuy nhiên, “nếu đây là lực lượng hải quân phòng thủ thì nó có thể được thành lập nhằm mục đích làm mất mặt Mỹ, thậm chí là Tổng thống Joe Biden”, ông Filitti nhận định và cho rằng Trung Quốc có thể đạt được những lợi ích lớn hơn ở Trung Đông.
Thông tin trên được đưa ra ít lâu sau khi UAE rút khỏi Lực lượng Hàng hải Liên hợp (CMF) gồm 34 quốc gia do Mỹ lãnh đạo đang hoạt động ở Biển Đỏ và Vịnh Persic mà không có bất kỳ thông báo chính thức nào cho Washington. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao UAE hôm 31-5, sở dĩ UAE rút khỏi CMF là do các đánh giá về hiệu quả hợp tác an ninh với tất cả các đối tác. Song, Bilal Saab, giám đốc Chương trình quốc phòng và an ninh tại Viện Trung Đông nhận định: “Abu Dhabi rõ ràng là không hài lòng với Mỹ. Vì vậy, đây là cách họ gửi thông điệp tới Mỹ về sự không hài lòng của họ. Theo tôi, đây hoàn toàn là chính trị”.
Theo National Review, động thái của UAE được đưa ra sau khi Iran bắt giữ nhiều tàu chở dầu trong khu vực và có thể xuất phát từ cảm giác rằng Mỹ không thể bảo vệ các đồng minh vùng Vịnh khỏi sự tấn công của Iran. Theo Tim Hawkins, người phát ngôn Hạm đội 5 của Mỹ đóng quân tại Bahrain, chỉ trong 2 năm qua, Iran đã tấn công hoặc bắt giữ 15 tàu buôn mang cờ quốc tế. Sự kiện trên cũng diễn ra sau khi quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran có dấu hiệu “tan băng”.
Thật ra, việc thành lập lực lượng hải quân chung tại khu vực không phải là ý tưởng mới. Trước đó, các quốc gia tại Vịnh Persic hồi tháng 10-2014 đã luận bàn về khả năng thành lập một lực lượng hải quân thống nhất để duy trì an ninh cho nguồn cung cấp dầu được gửi đến phương Tây. Do eo biển Bab el-Mandeb nối Vịnh Aden với Địa Trung Hải có nguy cơ bị các chiến binh Hồi giáo dòng Shiite ở Yemen phong tỏa nên một lực lượng hải quân chung cũng sẽ tăng cường kiểm soát tuyến đường xuất khẩu dầu ở eo biển Hormuz, nơi có khoảng 17 triệu thùng dầu được vận chuyển hàng ngày. Iran trước đây từng nhiều lần đe dọa Saudi Arabia và đồng minh rằng sẽ phong tỏa eo biển cung cấp khoảng 20% lượng dầu thô của thế giới này.
Hồi tháng 3, Iran và Saudi Arabia chấm dứt 7 năm thù địch theo thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Thỏa thuận đã ghi dấu ấn cho Trung Quốc ở Trung Đông, đồng thời củng cố lợi ích chiến lược của Bắc Kinh ở vùng Vịnh - khu vực vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ. Thỏa thuận hòa bình giữa Iran và Saudi Arabia mang lại nhiều lợi ích cho khu vực. Với Iran, thỏa thuận được kỳ vọng sẽ mở đường cho các thỏa thuận tiếp theo với các quốc gia Arab khác ở Trung Đông.