16/09/2012 - 18:15

Washington tiếp tục đối mặt với làn sóng chống Mỹ tại Trung Đông

Khói lửa và những người biểu tình bao vây Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Tunis hôm 14-9.
Ảnh: cbsnews

Trước làn sóng chống Mỹ bùng nổ dữ dội tại Trung Đông, Bắc Phi và một số khu vực khác, Mỹ đã phải liên tục ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như các biện pháp cần thiết để bảo vệ công dân của họ trên khắp thế giới, đặc biệt tại "chảo lửa" Trung Đông.

Sáng qua, Mỹ đã ra lệnh yêu cầu nhân viên không phận sự rời khỏi các đại sứ quán của họ tại Tunisie và Sudan sau khi hai cơ quan ngoại giao của họ tại đây bị tấn công, theo sau làn sóng chống Mỹ nổi lên từ đoạn video bị cho là phỉ báng đấng tiên tri Mohammed của người Hồi giáo nổ ra trên khắp Trung Đông trong những ngày qua. Theo hãng tin Anh Reuters, những người biểu tình đã trèo qua các bức tường Đại sứ quán Mỹ ở hai quốc gia này. Ít nhất 3 người được báo cáo đã thiệt mạng và 28 người khác bị thương trong vụ tấn công ở Tunisie.

"Trong tình hình bất ổn hiện nay tại Thủ đô Tunis và Khartoum, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các thân nhân và những nhân viên không thuộc diện khẩn cấp phải rời khỏi hai cơ quan trên, đồng thời cũng ban bố cảnh báo đi lại đối với các công dân Mỹ"- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh. Để tăng cường bảo đảm an ninh cho Đại sứ quán Mỹ tại Sudan, giới chức Mỹ cũng xác nhận một đơn vị gồm 50 thành viên thuộc lực lượng thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mỹ, đã khởi hành đến Khartoum.

Tuy nhiên, phía Sudan đã từ chối yêu cầu trên của Mỹ khi Ngoại trưởng nước này Ali Ahmed Karti nhấn mạnh trên hãng thông tấn quốc gia SUNA rằng: "Sudan có thể bảo vệ các cơ quan ngoại giao ở Khartoum và Chính phủ Sudan cam kết bảo vệ các nhân viên nước ngoài tại đây". Một tướng lĩnh quân đội cấp cao của Sudan tại khu vực Khartoum cho biết thêm, "việc giám sát và bảo vệ đại sứ quán và các tòa nhà người nước ngoài tại Khartoum đã được tăng cường để tránh xảy ra bất cứ mối nguy hiểm nào".

Tại Thủ đô Cairo của Ai Cập, nơi các cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra, cảnh sát đã giải tán những người biểu tình, vốn đã đụng độ với lực lượng an ninh nhiều ngày gần Đại sứ quán Mỹ. Cảnh sát cũng đã bắt giữ 220 người và một bức tường bê tông đã được dựng lên dọc theo lối đi vào cơ quan ngoại giao này của Mỹ.

Trong ngày 15-9, không xảy ra vụ tấn công nào đáng kể được ghi nhận tại khu vực Trung Đông này. Mỹ thì thông báo đã cử nhân viên an ninh đến Libye phối hợp điều tra xem liệu có các cuộc biểu tình thấp thoáng bóng dáng các tay súng cực đoan, có thể là al-Qaeda thực hiện cuộc tấn công phối hợp nhằm vào Lãnh sứ quán Mỹ ở thành phố Benghazi, cướp đi sinh mạng 4 nhân viên ngoại giao Mỹ.

Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đang chất vấn liệu người đóng thuế Mỹ có nên tiếp tục hỗ trợ tài chính cho những quốc gia Trung Đông xung quanh làn sóng biểu tình chống Mỹ tại khu vực này. Kể từ khi xảy ra làn sóng chống Mỹ, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Đồi Capitol bắt đầu kêu gọi ngưng các khoản viện trợ kiểu như trên hoặc ít nhất ban hành các qui định khắt khe hơn, bất chấp chính quyền Tổng thống Obama cho rằng việc giảm hỗ trợ sẽ không giải quyết tình cảnh "phức tạp" tại Trung Đông. "Người Mỹ đã mệt mỏi với vấn đề này. Ngân khố của chúng ta đã cạn. Có nhiều lý do cho rằng tại sao chúng ta không ngừng viện trợ nhiều tiền bạc cho khu vực này sau những điều tệ hại"- Nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul nhấn mạnh.

Theo Vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, tại Tunisie, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rót hơn 300 triệu USD kể từ đầu năm 2011. Riêng đối với Ai Cập và Libye kể từ năm qua, họ nhận được tới 3 tỉ USD. Một trong những vụ tấn công đầu tiên xảy ra hôm 11-9 tại Đại sứ quán Mỹ ở Cairo của Ai Cập, quốc gia nhận được 1,6 tỉ USD mỗi năm trong suốt 4 năm qua. Kể từ năm 1979, Ai Cập trở thành quốc gia tiếp nhận viện trợ lớn thứ 2 của Mỹ, chỉ sau Israel. Yemen đã nhận được 64 triệu USD từ đầu năm đến nay, so với 134 triệu USD năm ngoái.

THANH BÌNH
(Theo Reuters, AP, Foxnews)

Trong bối cảnh làn sóng bạo lực gia tăng tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông nhằm vào phái bộ ngoại giao và lợi ích của Mỹ cùng các nước phương Tây những ngày gần đây, ngày 15-9, mạng lưới khủng bố al-Qaeda lại xúi giục tiến hành các đợt tấn công mới nhằm vào Mỹ. Nhóm tình báo SITE nói rằng tổ chức al-Qaeda ở bán đảo Arập (AQAP), nhánh al-Qaeda tại Yemen, đã kêu gọi "cần tấn công hơn nữa" nhằm vào các phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông và châu Phi, đồng thời xúi giục người Hồi giáo ở phương Tây tấn công các lợi ích Mỹ. AQAP không trực tiếp thừa nhận đứng đằng sau vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Lybye làm Đại sứ Mỹ Chris Steven cùng ba công dân Mỹ khác thiệt mạng.

Khói lửa và những người biểu tình bao vây Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Tunis hôm 14-9. Ảnh: cbsnews

Chia sẻ bài viết