30/01/2018 - 21:21

Vương Kỳ Sơn “tái xuất” 

Với việc được bầu vào cơ quan lập pháp Trung Quốc, chính trị gia kỳ cựu Vương Kỳ Sơn được dự đoán sẽ là cánh tay đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong các vấn đề kinh tế-đối ngoại, bao gồm kiểm soát căng thẳng leo thang trong quan hệ với Mỹ.

Ông Vương Kỳ Sơn (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Ông Vương Kỳ Sơn (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Dù ít khi xuất hiện trước công chúng, nhưng ông Vương Kỳ Sơn thường được giới truyền thông mô tả như là chính trị gia quyền lực thứ hai tại Trung Quốc chỉ sau Chủ tịch Tập Cận Bình. Cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương với quan điểm cứng rắn và quyết đoán được ví như “cánh tay phải” của ông Tập trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” phát động từ năm 2012. Trước đó, trong vai trò Phó Thủ tướng phụ trách tài chính, ông Vương từng góp phần đưa Trung Quốc vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, ông Vương từ tháng 10-2017 bắt đầu nghỉ hưu, rời khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị và tất cả các vị trí then chốt trong đảng. Tuy nhiên hôm 29-1, truyền thông đưa tin nhân vật này đã trúng cử vào Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) khóa 13. Cụ thể, tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Nam, ông Vương là một trong 118 nhà lập pháp cấp tỉnh được bầu làm đại biểu tham dự phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 3 tới để bầu ra ban lãnh đạo nhà nước khóa 2018 – 2023. Ông Vương là quan chức nghỉ hưu cấp cao duy nhất có tên trong danh sách này.

Trước đó, tờ New York Times trích 4 nguồn tin giấu tên tiết lộ ông Vương có thể được cất nhắc làm Phó Chủ tịch Trung Quốc tại kỳ họp tháng 3. Tin tức này từng được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công đăng tải tháng 12 năm ngoái. Tại Trung Quốc, tuổi nghỉ hưu không chính thức của các thành viên Bộ Chính trị là 68 tuổi nhưng luật pháp không giới hạn độ tuổi đối với chủ tịch lẫn phó chủ tịch. Cả hai chức vụ trên chỉ bị giới hạn không quá hai nhiệm kỳ 5 năm và tối thiểu 45 tuổi.

Các chuyên gia phân tích cho rằng ông Vương, 69 tuổi, nếu được bầu làm Phó Chủ tịch có thể giữ vai trò cố vấn quan trọng xử lý mối quan hệ Trung – Mỹ vốn đang leo thang căng thẳng. Với lập trường cứng rắn, nhiều người cho rằng ông là nhân tố cần thiết trong các thỏa thuận với một Washington đang ưu tiên chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Được mệnh danh là “người cứu hỏa” trên chính trường Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn được ca ngợi là chuyên gia giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị lẫn kinh tế, đặc biệt có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề với Mỹ. Vào những năm 1990, ông đã gầy dựng mối quan hệ với nhiều người Mỹ có tầm ảnh hưởng khi giám sát vụ phá sản lớn nhất lịch sử Trung Quốc (tập đoàn đầu tư quốc doanh Guangdong International Trust and Investment Corp vỡ nợ 5 tỉ USD). Gần 10 năm sau, ông tiếp tục dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia các cuộc đối thoại  kinh tế và chiến lược thường niên Trung-Mỹ.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant sau các buổi tiếp xúc với nhiều quan chức Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng và đắc lực không chỉ trong phạm trù liên quan quan hệ Trung-Mỹ mà còn những vấn đề toàn cầu khác. Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định sự hiện diện của ông Vương với những thành tích trước đây trong công tác phòng chống tham nhũng sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết đối với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” giai đoạn mới.

MAI QUYÊN (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết