18/10/2015 - 09:04

Việt Nam quan ngại về những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hiệp Quốc, trong hai ngày 15 và 16-10, Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) thuộc Đại hội đồng LHQ khóa 70 đã thảo luận về đề mục "Pháp quyền ở các cấp độ quốc gia và quốc tế". Đại biểu các quốc gia thành viên LHQ nhất trí cho rằng nguyên tắc tôn trọng pháp quyền là yếu tố cơ bản thúc đẩy quan hệ hợp tác, bình đẳng giữa các quốc gia, đảm bảo và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và thịnh vượng trên thế giới, nhất là trong bối cảnh LHQ vừa thông qua Chương trình nghị sự phát triển đến 2030 với các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ - Trưởng đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam ủng hộ việc thực thi pháp luật ở cấp độ quốc gia và quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ; nhấn mạnh vai trò trung tâm của LHQ trong việc xây dựng và thực hiện các nguyên tắc pháp luật thông qua tiến trình xây dựng các điều ước đa phương; đồng thời nêu rõ Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của LHQ, các quốc gia thành viên và các đối tác trong cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo và thúc đẩy việc thực thi pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

Đại sứ khẳng định ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đang xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở cấp độ quốc tế và khu vực, Việt Nam đang tích cực cùng các quốc gia thành viên ASEAN khác xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị, hợp nhất về kinh tế và trách nhiệm về xã hội, cùng hướng tới một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Trong bối cảnh đó, Đại sứ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây của các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, nhất là những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tất cả các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đại sứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong quá trình thảo luận, đại diện của Việt Nam cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982.

Trung Quốc tuyên bố không ngang ngược dùng vũ lực

Trong khi đó, sau cam kết "không xâm lược" các nước láng giềng, giới quân sự Trung Quốc hôm qua tiếp tục lên tiếng khẳng định sẽ tránh sử dụng vũ lực trong khu vực giữa lúc Mỹ đang cân nhắc triển khai tàu chiến gần các bãi đá và rạn san hô mà Bắc Kinh đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ảnh: AP

Phát biểu tại diễn đàn Hương Sơn về an ninh - quốc phòng diễn ra ở Thủ đô Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (ảnh) tuyên bố nước này "sẽ không bao giờ liều lĩnh sử dụng đến vũ lực, thậm chí trong các vấn đề mang tính chủ quyền". Ông Phạm còn cho rằng Trung Quốc "đã làm hết sức mình để tránh những xung đột bất ngờ".

Tuy nhiên, vị tướng của Trung Quốc tiếp tục bao biện hành vi cải tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa hòng xóa bỏ quan ngại rằng Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường kiểm soát đối với tuyến hàng hải chiến lược khi cho biết mục tiêu các dự án "chỉ nhằm phục vụ nhu cầu dân sự, hỗ trợ việc đi lại trên biển và sẽ không ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở Biển Đông". Trong đó, ông lớn tiếng khẳng định hai ngọn hải đăng xây dựng trái phép ở Trường Sa "sẽ phục vụ lợi ích hàng hải cho tất cả các nước". Ngoài ra, "Trung Quốc sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp và mâu thuẫn với các bên liên quan trực tiếp thông qua tham vấn và cam kết phối hợp hành động để duy trì an ninh và ổn định khu vực" – vị này nói thêm.

Đáp lại, cựu Tư lệnh tác chiến Hải quân Mỹ - Đô đốc Gary Roughead có mặt tại diễn đàn cho biết tốc độ cải tạo, bồi đắp các rạn san hô và bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa ngược lại đang khiến nhiều nước nghi ngờ cũng như gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Trong đó, quy mô các dự án xây dựng cảng, đường băng cùng nhiều cấu trúc khác trong vùng biển tranh chấp mà Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành "đặt ra câu hỏi chính đáng về quân sự". Theo ông Roughead, cam kết của Trung Quốc là đáng hoan nghênh nhưng lòng tin và sự minh bạch cũng cần thiết để chứng tỏ ý định hòa bình của Trung Quốc.

MAI QUYÊN
(Theo TTXVN, AP, AFP, Reuters)

MAI QUYÊN (Theo TTXVN, AP, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết