22/11/2019 - 10:10

Vấn nạn binh sĩ Mỹ tự sát 

Chỉ trong gần 3 năm, từ tháng 5-2016 đến tháng 4-2019, ít nhất 8 binh sĩ Sư đoàn Bộ binh số 2, tuổi từ 18-32, đóng tại căn cứ quân sự Camp Hovey của Mỹ ở thành phố Dongducheon (Hàn Quốc) tự sát, gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng tự tử chưa từng có trong quân đội xứ cờ hoa.

Zachary Moore, một trong số 8 binh sĩ tại căn cứ Camp Hovey, bỏ mạng vì tự sát. Ảnh: Stripes

Không chỉ xảy ra trong quân đội

Nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tỷ lệ tự tử ở những người trong độ tuổi từ 10-24 đã tăng 56% trong giai đoạn 2007-2017.

Nghiên cứu của CDC cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử tại Mỹ ở hầu hết các độ tuổi và các nhóm sắc tộc khác nhau đã gia tăng khoảng 30% trong giai đoạn 1999-2016. Năm 2017, tự tử là nguyên nhân phổ biến thứ hai dẫn đến cái chết của giới trẻ trong độ tuổi từ 10-24 tuổi, chỉ đứng sau tai nạn xe cộ hoặc sử dụng ma túy quá liều.

Tuy nhiên, các chuyên gia chưa xác định được nguyên nhân chính xác của tình trạng trên. Họ nhận định, trầm cảm ngày càng phổ biến trong giới trẻ, sử dụng ma túy, căng thẳng tinh thần và việc sở hữu súng đều là những yếu tố góp phần khiến tỷ lệ tự tử ngày càng tăng.

Nghiêm trọng hơn, báo cáo được Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 9 tiết lộ, 541 binh sĩ Mỹ đã tự tử vào năm ngoái, tăng từ mức 511 người năm 2017 và 482 người năm 2016. Theo báo cáo, tỷ lệ tự tử của binh sĩ tại ngũ đã tăng từ mức 18,5/100.000 người lên 24,8/100.000 người trong giai đoạn 2013-2018. Tổng cộng có hơn 45.000 cựu chiến binh và binh sĩ tại ngũ tự sát trong vòng 6 năm qua. Thực trạng này khiến tờ Thời báo New York (NYT) mới đây bình luận, vấn nạn tự tử trong quân đội Mỹ còn nguy hiểm hơn cả việc tham gia chiến đấu. “Hơn 20 ca tự tử mỗi ngày. Nói cách khác, số ca tự tử mỗi năm còn cao hơn so với tổng số binh sĩ Mỹ bỏ mạng tại chiến trường Afghanistan và Iraq” - NYT cho hay.

“Lực lượng chúng tôi là một gia đình. Chúng tôi luôn làm hết sức mình để hỗ trợ binh sĩ trong các tình huống đầy thử thách trong chiến đấu và cả trong cuộc sống hàng ngày. Tự sát là một thách thức mà Sư đoàn Kỵ binh số 1 của chúng tôi và quân đội Mỹ tiếp tục đối mặt, nhưng chúng tôi đến nay đã có một số cơ chế được thiết kế nhằm hỗ trợ những người lính cần sự giúp đỡ” - Trung tá Chris Brautigam, phát ngôn viên Sư đoàn Kỵ binh số 1, cho biết. Trong đó gồm đánh giá sức khỏe định kỳ cho các binh sĩ, kiểm tra sự sẵn sàng của họ trước khi được triển khai chiến đấu, cho phép họ gặp gỡ với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tư vấn về sức khỏe và tâm thần. “Quan trọng nhất, thủ trưởng đơn vị và các binh sĩ đã dành nhiều thời gian trò chuyện cùng nhau. Đây được xem như là một cơ chế hỗ trợ dành cho những người cần sự trợ giúp” - Trung tá Brautigam nói thêm.

Ngoài ra, quân đội Mỹ còn thực hiện các bước nhằm cải thiện nhận thức về phòng chống tự tử. Theo đó, Sư đoàn Bộ binh 2 mùa hè vừa qua đã mở phòng khám sức khỏe hành vi dành cho binh sĩ tại căn cứ quân sự Camp Humphreys (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) nhằm mục đích cải thiện sức khỏe tâm thần cho binh sĩ. Trong khi đó, tại căn cứ Camp Casey, nơi Lữ đoàn Pháo binh dã chiến số 210 đóng quân gần biên giới với Triều Tiên, một cơ sở tương tự cũng được mở ra.

Số lượng binh sĩ Mỹ tự sát tăng cao không hẳn là một xu hướng, bởi tự tử diễn ra trong tất cả đời sống xã hội. Tuy nhiên, nó tạo ra bức tranh khốc liệt của một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong lực lượng quân đội của siêu cường số một thế giới, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn với nguồn kinh phí hơn 1 tỉ USD.

David Rudd, cựu chuyên gia tâm lý và nghiên cứu về tự tử trong quân đội, cho biết các lực lượng vũ trang cần phát triển sự hiểu biết tốt hơn về tính hiệu quả của các nỗ lực ngăn nạn tự tử, đồng thời đưa ra cách tiếp cận chiến lược và phối hợp hơn. Ông Rudd nhấn mạnh sự cần thiết của việc sàng lọc sức khỏe tâm thần kỹ lưỡng trong công tác tuyển quân, sau đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp ngay khi xác định được các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

TRÍ VĂN (Theo Stripes, WSJ)

Chia sẻ bài viết