Có thể thế giới đang phải tất bật đối phó với dịch bệnh COVID-19 mà quên mất cuộc xung đột tại Syria vừa bước sang năm thứ 10 hôm 15-3.

Phân nửa đất nước Syria trong tình trạng đổ nát. Ảnh: AFP
Khi xuống đường phản đối chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad lần đầu tiên vào ngày 15-3-2011, có lẽ những người biểu tình ở thành phố Daraa cũng không thể hình dung nó sẽ lan ra khắp cả nước, để rồi trở thành cuộc xung đột phức tạp, với sự tham chiến của các tay súng nổi dậy, phần tử thánh chiến và 5 lực lượng bên ngoài. Quân đội Syria đã tiêu diệt khoảng 67.296 tay súng trung thành với tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hoặc phiến quân Hayat Tahrir al-Sham hiện vẫn đang cố thủ tại một phần tỉnh Idlib ở Tây Bắc.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết vào thời điểm cuộc chiến bước vào năm thứ 10, quân đội Chính phủ Syria - với sự hậu thuẫn quân sự từ các đồng minh Nga, Iran và phong trào vũ trang Hezbollah ở Lebanon - đang kiểm soát hơn 70% lãnh thổ cả nước. Tuy nhiên, chiến tranh đã gây ra những hậu quả thảm khốc về kinh tế và tổn thất lớn về người. Nó tàn phá nền kinh tế và các cơ sở hạ tầng tại Syria. Năm 2018, Liên Hiệp Quốc ước tính cuộc xung đột này đã gây thiệt hại gần 400 tỉ USD. Hơn 50% trong tổng số các cơ sở y tế tại quốc gia Trung Đông này hiện ngừng hoạt động. Ngoài ra, 2/5 số trường học không thể sử dụng do bị bom đạn phá hủy, dùng làm nơi trú ngụ cho những gia đình di tản hoặc sử dụng vào mục đích quân sự. Được biết, đã có trên 4,8 triệu trẻ em Syria chào đời tính từ khi xung đột nổ ra. Tác động rộng hơn của cuộc chiến này là hơn 2,8 triệu trẻ tại Syria và những nước láng giềng thất học.
Dân số Syria trước chiến tranh là 23 triệu người. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng rồi, tổng cộng hơn 11 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong và ngoài nước. Nhưng dù gì họ cũng may mắn hơn ít nhất 384.000 người đã thiệt mạng, bao gồm hơn 116.000 dân thường, kể từ khi chiến tranh bùng phát. Hiện có tới 83% dân số Syria sống dưới mức nghèo đói, so với 28% thời trước chiến tranh. Kinh tế suy thoái đến mức dân thường Syria phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng cao. Đồng nội tệ mất giá thê thảm khi mà 500 bảng Syria mới đổi được 1 USD, cao gấp 20 lần so với trước năm 2011.
Dù đã trải qua 9 năm, cuộc xung đột Syria cho thấy nó vẫn đang tạo những thảm kịch mới và có thể gây ra tác động lớn đối với chính trường trên toàn cầu. Trong tháng này, quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ (ủng hộ các nhóm vũ trang địa phương) thậm chí đã giao tranh tại Tây Bắc Syria. Điều đó đẩy Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và Nga đến bên bờ vực đối đầu trực tiếp cũng như đã kéo theo làn sóng di cư chưa từng có. Do lo ngại có thể đối mặt với dòng người tị nạn mới từ Syria, Ankara gần đây tuyên bố không ngăn cản dân di cư xâm nhập trái phép vào Hy Lạp để tiến vào châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang tiếp nhận 4,1 triệu người tị nạn, bao gồm 3,7 triệu người Syria.
Lệnh ngừng bắn đạt được giữa hai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hôm 5-3 có thể giúp kiềm hãm chiến dịch quân sự của chính quyền Damascus nhằm tái chiếm tỉnh Idlib ở Tây Bắc. Nơi đây có khoảng 3 triệu dân sinh sống và cũng là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Syria. Trong 3 tháng trước khi đình chiến, cuộc tấn công của quân chính phủ Syria cũng đã khiến gần 1 triệu người sơ tán khỏi Idlib, tạo nên làn sóng di cư lớn nhất trong 9 năm xung đột. Dù vậy, giới phân tích nhận định thỏa thuận Thổ - Nga không phải là giải pháp lâu dài và chương cuối cùng của cuộc xung đột đẫm máu tại Syria vẫn chưa đến.
HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, AP)