24/12/2018 - 22:54

Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào Thung lũng Silicon 

Trung Quốc có thể đang đứng giữa cuộc chiến công nghệ với Mỹ nhưng điều này không ngăn được việc một số công ty lớn nhất Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở Thung lũng Silicon.

Thành phố Menlo Park, nơi nhiều công ty Internet Trung Quốc đang hoạt động. Ảnh: CNN
Thành phố Menlo Park, nơi nhiều công ty Internet Trung Quốc đang hoạt động. Ảnh: CNN

Trong khi hai “ông lớn” công nghệ Tencent và ByteDance có trung tâm nghiên cứu cách Đại học Stanford (Mỹ) không xa, thì vài dặm về phía Đông, trên đường cao tốc 101, là trụ sở của các hãng công nghệ lớn khác, gồm Alibaba, Baidu và Didi Chuxing. Các hãng Internet này đang “làm trùm” ở Trung Quốc, nơi đang thúc đẩy sự đổi mới về mạng xã hội, mua sắm trực tuyến và xe tự lái. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ ở Thung lũng Silicon cho thấy các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc vẫn cần bí quyết của Mỹ để duy trì tính cạnh tranh. Bằng cách này, các công ty Trung Quôc dễ dàng tiếp cận sinh viên tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu hàng đầu từ nhiều nơi như Đại học Stanford hay Viện Công nghệ California cũng như các trường đại học được đánh giá cao khác của Mỹ. Nhờ đó, họ có vị trí tốt hơn để cạnh tranh với các đối thủ của Mỹ như Google, Facebook và Uber.

Theo CNN, Alibaba, hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, thuê khoảng 350 người làm việc tại 3 văn phòng ở Thung lũng Silicon. Được biết, Alibaba mở văn phòng đầu tiên tại Hạt Santa Clara, tiểu bang California, hồi năm 2000, chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục giới doanh nghiệp Mỹ bán hàng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba cũng như đảm trách việc đầu tư vào các doanh nghiệp xứ cờ hoa. Trong khi đó, một trung tâm ở thành phố San Mateo thì đảm nhận công tác phát triển kinh doanh và kỹ thuật cho mảng điện toán đám mây của Alibaba và Alipay, nền tảng thanh toán trực tuyến lớn do công ty con của Alibaba là Ant Financial điều hành. Trong năm nay, Alibaba đã cho xây dựng một phòng thí nghiệm tại khu vực vịnh San Francisco, tập trung vào công nghệ chip và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là một phần trong cam kết 15 tỉ USD mà Alibaba đưa ra hồi năm ngoái nhằm thành lập nhiều cơ sở nghiên cứu các công nghệ mới nổi ở nhiều thành phố trên thế giới.

Còn Baidu, nhà sáng lập công cụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc, mở văn phòng đầu tiên ở thành phố Sunnyvale hồi năm 2011. Năm ngoái, Baidu mở thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn tại đây. Hiện Baidu có khoảng 200 nhân viên làm việc ở Thung lũng Silicon, chủ yếu tạo ra các ứng dụng AI như dịch thuật đồng thời, robot và xe tự lái. Ngoài ra, hãng còn có phòng thí nghiệm AI với đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên nghiên cứu các lĩnh vực như khai thác dữ liệu, học máy và thị giác máy tính.

Trong khi đó, ByteDance, một trong các hãng Internet lớn nhất Trung Quốc thời điểm hiện tại, có một nền tảng truyền thông xã hội thu hút được người dùng ở Mỹ. Được biết, TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance xếp hạng 1 trong danh sách ứng dụng miễn phí của chợ ứng dụng Apple App Store hồi tháng 10. Đầu năm nay, ByteDance mở văn phòng tại thành phố Menlo Park, nơi trụ sở của Facebook tọa lạc và tuyển dụng 50 người, tập trung chủ yếu vào việc phát triển các tính năng có thể được triển khai trên các ứng dụng khác nhau của công ty một cách nhanh chóng.

Nhiều công ty Trung Quốc khác cũng mở rộng hoạt động ở Thung lũng Silicon. Trong khi đội ngũ của hãng gọi xe số một Trung Quốc Didi Chuxing ở Thung lũng Silicon tập trung phát triển sản phẩm và công nghệ an ninh cho hoạt động ở Brazil, Mexico, Úc và Nhật Bản, thì hãng trò chơi và mạng xã hội Tencent, “cha đẻ” của ứng dụng nhắn tin WeChat với hơn 1 tỉ người dùng, sẽ xây dựng thêm cơ sở mới ở thành phố Palo Alto với 250 nhân viên. Bên cạnh mảng trò chơi di động, AI và dịch vụ đám mây, đội ngũ của Tencent ở bang California còn có kế hoạch phát triển xe tự lái.

Tại Trung Quốc hiện nay có 17 trung tâm công nghệ được làm mô hình  “Thung lũng Silicon”  nhằm chuyển đổi  từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất sang nền kinh tế dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đáng kể trong số này có “Thung lũng Silicon” Thâm Quyến. Dù sự sáng tạo ở Thâm Quyến được ghi nhận ngày càng phát triển, nhưng vấn nạn đánh cắp thương hiệu và quyền sở trí tuệ vẫn rất nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do chính mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành cường quốc công nghệ toàn cầu.

Trí Văn

Chia sẻ bài viết