05/06/2023 - 08:45

Trung Quốc tìm cách tự chủ lương thực

MAI QUYÊN

Trung Quốc đang mở rộng diện tích đất nông nghiệp trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine làm gián đoạn các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng kỷ lục.

Ảnh: Xinhua

Vào những năm 1990, học giả Mỹ Lester Brown đã đăng một bài báo trên tạp chí World Watch với tiêu đề “Ai sẽ nuôi sống Trung Quốc?”, bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu lương thực ở đại lục. Bắc Kinh sau đó đã nghiêm túc triển khai các chiến dịch nhằm nâng cao năng lực tự túc lương thực của quốc gia. Năm 1998, tình hình thay đổi khi các biện pháp cải cách thái quá khiến sản lượng nông nghiệp tăng hơn mức cần thiết, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Lúc này, Trung Quốc cân nhắc chính sách mới, trả lại đất nông nghiệp cho rừng.

Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức năm 2013, chính sách “từ trang trại đến rừng” càng được coi trọng khi phát triển xanh được ông Tập xem là một trong những chiến lược chính của Trung Quốc giữa lúc cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sôi nổi trên toàn cầu. Nhưng thời gian gần đây, chính sách “Trả đất nông nghiệp cho rừng” mà Bắc Kinh tuyên truyền suốt 20 năm qua dường như lại thay đổi khi các khẩu hiệu như “Trả lại rừng cho đất canh tác” trở thành xu hướng. Các clip về công viên và rừng bị biến thành đất nông nghiệp cũng lan truyền chóng mặt trên các nền tảng trực tuyến trong nước.

Ngày 11-5, ông Tập có buổi thị sát một cánh đồng lúa mì ở tỉnh Hà Bắc (ảnh). Trong phái đoàn tháp tùng có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Thái Kỳ, người chịu trách nhiệm về an ninh lương thực quốc gia. Thông qua chuyến thị sát này, các nhà phân tích cho rằng vấn đề lương thực đang đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Bắc Kinh. Theo trang tin Nikkei, mục tiêu tăng sản lượng lương thực có thể đã được quyết định từ tháng 3, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường gửi báo cáo công tác của chính phủ tới phiên họp thường niên của Quốc hội. Trong báo cáo, Thủ tướng Lý khẳng định chính sách đảm bảo diện tích đất nông nghiệp giúp tăng năng lực sản xuất ngũ cốc trong nước lên 50 triệu tấn. Để đạt mục tiêu trên, nhiều khu rừng mới sẽ phải được khai hoang làm đất canh tác. Trung Quốc cũng cần số lượng lớn người làm nông. Điều kiện này cũng phù hợp chính sách của Bắc Kinh hiện nay, khuyến khích người trẻ lập nghiệp ở nông thôn trong bối cảnh áp lực việc làm ngày càng tăng.

Nhu cầu giảm phụ thuộc vào Mỹ, Ukraine

Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng khi đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến ở Ukraine và liên minh đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc, các học giả ở đại lục cho biết Bắc Kinh phải hành động, trong đó coi khả năng tự cung tự cấp lương thực cũng quan trọng như việc tự chủ về công nghệ.

Được biết, trước khi chiến sự bùng nổ, Ukraine là nước xuất khẩu hạt hướng dương lớn nhất thế giới và Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu đáng kể loại hạt này từ Kiev. Ukraine cũng cung cấp hơn 80% tổng lượng bắp nhập khẩu của Trung Quốc. Từ năm 2021, Trung Quốc bắt đầu tăng nhập khẩu bắp từ Mỹ sau thỏa thuận đạt được với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại. Hiện 3 nguồn nhập khẩu bắp lớn nhất của Trung Quốc lần lượt là Mỹ, Brazil và Ukraine.

Ngoài bắp, 85% tổng nhu cầu đậu nành của Trung Quốc cũng đang dựa vào nhập khẩu từ Mỹ và Brazil. Bên cạnh các loại ngũ cốc quan trọng, Bắc Kinh còn tăng cường nhập khẩu thịt kể từ khi thu nhập người dân cải thiện và chế độ ăn uống của họ bắt đầu bị “phương Tây hóa”. Năm nay, nhập khẩu thịt heo của Trung Quốc dự kiến tăng gần 4% so với năm 2022, lên 2,2 triệu tấn do nhu cầu của người tiêu dùng cao sau khi các biện pháp hạn chế đại dịch COVID-19 kết thúc.

Trung Quốc khẳng định tỷ lệ tự chủ lương thực đủ cao, nhưng xét cho cùng, Bắc Kinh vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Mỹ. Thực trạng này không thể thay đổi trong một sớm một chiều, ngay cả khi họ đẩy nhanh hơn nữa việc khai hoang rừng làm đất nông nghiệp và tăng sản lượng ngũ cốc. Nó cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu Bắc Kinh đã sẵn sàng đảm bảo đủ lương thực nếu căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan bùng phát.

Chia sẻ bài viết